Thay vì ép buộc, hãy dẫn dắt: Bí quyết để giúp độc giả cam kết với hành trình thay đổi!
Độc giả không phải là những học sinh ngồi nghe bạn giảng bài, mà bạn sẽ trở thành là người đồng hành trên hành trình thay đổi cuộc sống của họ.
Tháng 11 sắp tới, cũng là tháng mà học sinh và thầy cô giáo sẽ háo hức chào đón ngày đặc biệt - ngày nhà giáo Việt Nam. Mình vẫn rõ còn nhớ câu chuyện mình từ một cô bé học bình bình trở thành học sinh lớp chuyên môn Vật Lý như thế nào. Có nhiều thầy cô đã giúp đỡ mình trên con đường đó, nhưng người thầy có công nhất, mình nghĩ đó là anh họ mình.
Anh không học sư phạm, cũng không có chuyên môn giảng dạy, nhưng mình nghĩ rằng thời gian kèm cặp mình anh đã sử dụng từ chính những trải nghiệm và cảm xúc của bản thân anh - một người từng là học sinh yêu môn học này, để dẫn dắt tình yêu với Vật Lý bên trong mình. Để rồi từ một cô học sinh tưng tửng không hứng thú gì mấy với môn học này, mình cày ngày cày đêm, từ bài này qua bài khác không mệt mỏi, và cuối cùng tự hào trở thành học sinh trường chuyên của tỉnh.
Cách làm của anh mình là gì?
Anh không ép buộc mình học, anh chỉ đơn giản mỗi ngày trò chuyện với mình về các hiện tượng vật lý rồi giao cho mình 1 bài tập nho nhỏ. Nhưng với mỗi bài, anh không chữa 1 cách, mà anh đặt câu hỏi để rồi từ 1 cách, mình tìm ra 3 cách. 3 cách với cùng một đáp án, nhưng quá trình trò chuyện và tư duy giúp mình dần dần vỡ ra được cách tư duy của môn học này. Mình hiểu ra rằng Vật Lý thực ra bắt nguồn từ chính những hiện tượng của cuộc sống. Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ hiểu ra mối dẫn dắt để đến với đáp án.
Câu chuyện này khiến mình liên tưởng tới việc khi chúng ta chỉ dẫn cho ai điều gì, chúng ta đều trở thành một người dẫn đường để người đó học hỏi một vấn đề mới. Đối với việc viết sách, tác giả cũng chính là người dẫn dắt độc giả. Trên hành trình đó, đâu là cách làm hiệu quả để độc giả được chuyển hoá và có được những thành tựu của mình?
Bài viết tuần này mình sẽ hướng bạn xây dựng [Quyền lực mềm – thông qua sự thuyết phục, đồng cảm và tạo động lực] thay vì [Quyền lực cứng – dựa trên sự ép buộc và quy tắc cứng nhắc] thông qua mô hình BRIDGE. Việc lựa chọn đúng quyền lực đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành công của cuốn sách trong việc chuyển hóa người đọc.
Quyền lực cứng - Sự ép buộc làm tê liệt động lực cá nhân
Quyền lực cứng trong viết sách thể hiện qua cách tác giả chỉ đưa ra những chỉ dẫn, yêu cầu độc giả làm theo mà không tạo sự kết nối cảm xúc hay thuyết phục đủ mạnh. Một số tác giả cố gắng "ép buộc" người đọc thay đổi bằng cách cung cấp quá nhiều lý thuyết, lập luận khô khan mà không để lại khoảng trống cho độc giả tự suy ngẫm hay đồng cảm. Điều này có thể dẫn đến sự phản kháng từ phía độc giả, bởi họ cảm thấy bị áp đặt.
Chúng ta cần hiểu rằng ép buộc, hay quyền lực cứng, thường không mang lại hiệu quả lâu dài. Việc sử dụng quyền lực mềm – dựa trên thuyết phục và kết nối – là cách tốt hơn để độc giả tự nguyện cam kết với hành động thay đổi.
Quyền lực mềm là chìa khóa để dẫn dắt độc giả đến sự chuyển hóa bền vững. Thay vì áp đặt ý chí của mình, tác giả nên tạo ra một hành trình mà độc giả cảm thấy được thấu hiểu, đồng hành và được dẫn dắt qua từng bước thay đổi. Quyền lực mềm không chỉ tạo ra sự thay đổi tạm thời mà còn giúp người đọc cam kết với hành động trong thời gian dài. Khi tác giả tập trung vào việc thuyết phục bằng sự thấu hiểu và cung cấp đúng tư duy, kĩ năng và công cụ cần thiết, độc giả sẽ cảm thấy được trao quyền để tự quyết định. Từ đó, họ sẽ sẵn lòng cam kết với quá trình chuyển hóa.
Quyền lực mềm cần khơi gợi sự tự nguyện cam kết
Khi nói về quá trình cam kết hành động, chúng ta không thể bỏ qua sức mạnh của những cam kết nhỏ. Trong bán hàng, chiến lược khởi đầu bằng những yêu cầu nhỏ đã chứng minh rằng sự cam kết ban đầu không phải chỉ là kết thúc của một cuộc giao dịch, mà là bước đầu của một hành trình gắn kết dài hạn. Khái niệm "kỹ thuật khởi sự thuận lợi" của Freedman và Fraser từ thập niên 1960 cho thấy rằng chỉ cần một sự đồng ý nhỏ – như việc đồng ý treo một tấm biển nhỏ về lái xe an toàn – có thể khiến người ta đồng ý với những yêu cầu lớn hơn, đôi khi không mấy liên quan về sau.
Kỹ thuật khởi sự thuận lợi (foot-in-the-door technique) là một phương pháp thuyết phục tâm lý nổi tiếng, được nghiên cứu bởi các nhà tâm lý học Jonathan Freedman và Scott Fraser vào thập niên 1960. Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả: nếu bạn có thể thuyết phục ai đó đồng ý với một yêu cầu nhỏ, khả năng họ sẽ chấp nhận các yêu cầu lớn hơn sau đó sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này không chỉ vì họ đã đồng ý với yêu cầu đầu tiên, mà còn vì quá trình đồng ý đã thay đổi cách họ nhìn nhận về bản thân mình.
Nghiên cứu điển hình nổi tiếng của Freedman và Fraser là thử nghiệm với các hộ gia đình ở California. Trong thử nghiệm đầu tiên, một nhóm tình nguyện viên đề nghị chủ nhà cho phép đặt một tấm biển lớn có nội dung "Hãy lái xe cẩn thận" ở sân trước. Yêu cầu này khá vô lý, và phần lớn (83%) từ chối. Nhưng khi nhóm nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận, yêu cầu các chủ nhà ký vào một bản cam kết nhỏ hơn, như treo một tấm biển nhỏ chỉ 7cm về an toàn giao thông, có đến 76% đồng ý lắp tấm biển lớn sau đó chỉ vài tuần.
Kỹ thuật khởi sự thuận lợi có thể được áp dụng một cách hợp lý trong hành trình dẫn dắt độc giả, đặc biệt khi bạn muốn họ đi qua quá trình chuyển hóa nhận thức. Giống như cách yêu cầu người khác ký vào một cam kết nhỏ trước khi thực hiện hành động lớn, bạn không thể kỳ vọng độc giả thay đổi suy nghĩ hoặc hành vi ngay lập tức. Thay vào đó, hãy dẫn dắt họ từ những thay đổi nhỏ. Chẳng hạn, cuốn sách có thể khởi đầu bằng những câu chuyện cá nhân hoặc một tình huống mà độc giả dễ dàng đồng cảm. Khi họ bắt đầu nhận thấy mối liên hệ giữa bản thân và nội dung cuốn sách, khả năng họ cam kết với những thay đổi lớn hơn sẽ cao hơn rất nhiều.
Mô hình BRIDGE tạo dựng sự gắn kết bền chặt giữa độc giả và mục tiêu của cuốn sách
Trong hành trình chuyển hoá độc giả, sự thay đổi diễn ra từng bước nhỏ, giống như cách thức một người đồng ý với những yêu cầu nhỏ để rồi sẵn sàng cho những cam kết lớn hơn. Khi độc giả bắt đầu nhận diện mình là "người có ý thức xã hội", như trong nghiên cứu của Freedman và Fraser, họ sẽ muốn hành động phù hợp với hình ảnh mới này. Tương tự, khi độc giả bắt đầu cảm nhận họ là một phần của câu chuyện, của quá trình học hỏi trong cuốn sách, họ sẽ dần dần tự nguyện thay đổi và chuyển hóa bản thân.
Mô hình BRIDGE được xây dựng ở khoá "Viết sách cùng AI" để giúp tác giả kết nối sâu sắc và hỗ trợ quá trình chuyển hoá hiệu quả hơn cho độc giả của mình. Ở đó, mô hình BRIDGE không chỉ giúp tác giả thuyết phục độc giả mà còn trao quyền để họ cảm thấy tự tin trong quá trình thay đổi. Từ gắn kết cảm xúc, phản tư suy nghĩ, thực hiện hành động, đến việc liên tục trò chuyện, hướng dẫn và khích lệ, độc giả sẽ không chỉ được hướng dẫn qua từng bước, mà còn có thể tự mình kiểm soát và duy trì quá trình chuyển hóa lâu dài.
Đầu tiên, 2 yếu tố quan trọng đầu tiên của quyền lực mềm chính là gắn kết (Bond) và phản tư (Reflect), giúp độc giả được thuyết phục và có sự gắn kết ban đầu với quá trình thay đổi của bản thân.
1. B – Bond (Gắn kết)
Gắn kết là bước đầu tiên để tạo niềm tin và xây dựng mối quan hệ với độc giả. Khi bạn chia sẻ câu chuyện cá nhân, đặc biệt là những trải nghiệm tương đồng với độc giả, bạn không chỉ đang truyền đạt kiến thức mà còn gợi lên sự đồng cảm và cảm giác gần gũi. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra sự gắn bó giữa bạn và người đọc, bởi họ sẽ cảm thấy rằng tác giả thực sự hiểu những khó khăn mà họ đang đối mặt.
Ví dụ: Nếu bạn viết về việc thay đổi thói quen, hãy chia sẻ trải nghiệm cá nhân của chính bạn trong quá trình này. Hãy mô tả cảm giác lo lắng, thất vọng hay những lần thất bại ban đầu của bạn để độc giả thấy rằng bạn cũng đã từng ở vị trí của họ.
Cách thực hiện: Sử dụng giọng điệu đồng cảm, dễ hiểu và chân thực. Tránh lối viết giáo điều hoặc ra lệnh, thay vào đó hãy kể chuyện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
2. R – Reflect (Phản tư)
Phản tư là bước giúp độc giả dừng lại và suy ngẫm về những gì họ đã học được, đồng thời liên hệ nó với trải nghiệm cá nhân. Quyền lực mềm không yêu cầu hành động ngay lập tức từ độc giả, thay vào đó, nó khuyến khích họ tìm ra ý nghĩa cá nhân của kiến thức mới và cách áp dụng vào cuộc sống của họ.
Ví dụ: Đặt những câu hỏi mở như "Điều gì khiến bạn cảm thấy hứng thú hoặc lo lắng về điều này?" hoặc "Bạn đã từng trải qua khoảnh khắc nào mà cảm thấy mình cần phải thay đổi?" giúp độc giả không chỉ tiêu thụ nội dung mà còn suy nghĩ sâu hơn về lý do đằng sau.
Cách thực hiện: Bạn có thể xen kẽ các câu hỏi phản tư sau mỗi phần nội dung quan trọng, tạo không gian để người đọc tạm dừng và suy ngẫm. Khuyến khích họ ghi lại suy nghĩ của mình, hoặc thậm chí thử viết ra một kế hoạch hành động nhỏ dựa trên những gì họ học được.
Ở các giai đoạn tiếp theo, điều quan trọng các tác giả cần làm được đó là xây dựng sự cam kết tự nguyện của độc giả với quá trình chuyển hoá. Kỹ thuật khởi sự thuận lợi có thể áp dụng ở giai đoạn này để không chỉ giúp xây dựng sự đồng thuận từ những cam kết nhỏ mà còn dẫn dắt độc giả từng bước qua quá trình chuyển hóa sâu sắc. Trong đó, các bước IDGE trở thành công cụ đắc lực để tác giả không chỉ tạo sự gắn kết mà còn trao quyền cho độc giả trên con đường thay đổi bản thân.
3. I – Implement (Thực hiện)
Sau khi đã gắn kết cảm xúc và tạo không gian phản tư cho độc giả, bước thực hiện là yếu tố quan trọng để biến lý thuyết thành hành động cụ thể. Tác giả cần hướng dẫn độc giả qua những bước đơn giản và dễ thực hiện, giúp họ cảm thấy tự tin trong việc bắt đầu thay đổi.
Giai đoạn này đòi hỏi sự hướng dẫn cụ thể để độc giả có thể dễ dàng áp dụng những gì học được vào cuộc sống. Quan trọng là phải tạo ra những bước hành động rõ ràng, dễ thực hiện và phù hợp với tình huống thực tế của họ. Những bước này tạo đà để độc giả từng bước điều chỉnh hành vi của mình.
Ví dụ: Nếu cuốn sách của bạn dạy về quản lý thời gian, hãy cung cấp các bước chi tiết, chẳng hạn như: "Bắt đầu bằng cách lập danh sách việc cần làm mỗi sáng, sau đó chia nhỏ nhiệm vụ thành các phần nhỏ hơn".
Cách thực hiện: Hãy cung cấp bài tập hoặc gợi ý từng bước hành động cụ thể, dễ thực hiện. Đảm bảo rằng những hành động này có thể được điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống của độc giả, giúp họ cảm thấy tự tin và có động lực bắt đầu ngay lập tức.
4. D – Dialogize (Đối thoại)
Trong quá trình thực hiện, tác giả vẫn nên đối thoại cùng độc giả để giải đáp các vấn đề họ gặp phải. Tác giả nên dự đoán những câu hỏi mà độc giả có thể đặt ra trong quá trình thực hiện và giải đáp chúng một cách thấu đáo, giúp họ cảm thấy được hỗ trợ trong suốt hành trình.
Ví dụ: “Bạn có thể tự hỏi: ‘Tôi không có nhiều thời gian, liệu tôi có thể thực hiện những bước nhỏ hơn không?’ Câu trả lời là: ‘Chắc chắn rồi! Quan trọng là bạn duy trì hành động liên tục dù nhỏ, chứ không phải bắt đầu lớn.’” Điều này giúp giải tỏa lo lắng của độc giả và thúc đẩy họ tiếp tục.
Cách thực hiện: Tác giả nên tạo ra các cuộc đối thoại giả định, giải quyết các thắc mắc thường gặp và cung cấp các giải pháp cụ thể cho từng tình huống mà độc giả có thể gặp phải trong thực tế.
5. G – Guide (Hướng dẫn)
Tiếp theo, trong quá trình hướng dẫn độc giả cách vượt qua các vấn đề, tác giả cần đưa ra các chỉ dẫn chi tiết và dễ hiểu, đồng thời gợi ý cách điều chỉnh chiến lược cho từng tình huống khác nhau.
Ví dụ: “Nếu bạn làm việc trong một môi trường đòi hỏi sự linh hoạt, hãy điều chỉnh cách tiếp cận của mình bằng cách bắt đầu với những bước nhỏ. Ngược lại, nếu bạn có thời gian rảnh hơn, hãy thử dành mỗi ngày 1 tiếng để phát triển kỹ năng mà bạn muốn cải thiện.” Những hướng dẫn này sẽ giúp độc giả cảm thấy mọi thứ có thể áp dụng vào hoàn cảnh của mình.
Cách thực hiện: Sử dụng các ẩn dụ hoặc so sánh gần gũi với đời sống hàng ngày, giúp độc giả dễ dàng hình dung và áp dụng nội dung vào thực tế. Ví dụ: “Hãy tưởng tượng quá trình thay đổi giống như việc trồng một cây nhỏ. Ban đầu, bạn phải chăm sóc nó cẩn thận, và kiên nhẫn chờ đợi để nó phát triển.”
6. E – Encourage (Khích lệ)
Khích lệ độc giả là bước quan trọng để giúp họ duy trì động lực trong suốt hành trình thay đổi. Tác giả nên dự đoán những tiến bộ nhỏ và chúc mừng độc giả ngay cả với những thành tựu nhỏ nhất, giúp độc giả cảm thấy họ có đủ năng lực và quyền lực để duy trì sự thay đổi lâu dài. Tác giả cũng có thể khuyến khích họ chia sẻ kết quả hoặc tham gia vào những cộng đồng có cùng mục tiêu. Nhờ vậy, sự trưởng thành không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn lan tỏa đến cộng đồng rộng lớn hơn.
Ví dụ: “Đến thời điểm này, bạn có thể đã bắt đầu nhận thấy những thay đổi nhỏ trong cách bạn tư duy về công việc hoặc học tập. Đó là những bước tiến lớn, và bạn nên tự hào về bản thân mình!”.
Cách thực hiện: Tác giả nên sử dụng các câu khích lệ tích cực, nhắc độc giả rằng họ đã tiến bộ và thành quả của họ, dù nhỏ, cũng rất đáng tự hào. Đồng thời, gợi ý họ nhìn lại hành trình đã qua và ghi nhận những tiến bộ cá nhân, từ đó tạo động lực tiếp tục phấn đấu.
Lựa chọn quyền lực để dẫn dắt độc giả
Áp dụng quyền lực mềm trong viết sách cũng giống như cách bạn thuyết phục độc giả từng bước cam kết với hành trình mà bạn muốn họ trải nghiệm. Thay vì nhấn mạnh những gì họ "phải" làm, hãy cho họ không gian để tự khám phá, suy ngẫm và từ đó đồng cảm với thông điệp mà bạn truyền tải. Chính sự thuyết phục nhẹ nhàng, sự dẫn dắt từng bước này sẽ giúp họ tự nguyện chuyển hóa bản thân, tạo nên những thay đổi sâu sắc và bền vững.
Hãy nhìn vào Simon Sinek với cuốn Start With Why. Ông không chỉ cung cấp thông tin mà còn thuyết phục độc giả nhìn nhận lại chính cuộc sống và công việc của mình, tạo nên một sự chuyển hóa từ tư duy đến hành động. Quyền lực mềm đã được ông sử dụng thành công để giúp hàng triệu người trên thế giới cam kết với những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống.
Điều này gợi nhắc về một bài học quan trọng khi viết sách:
Thay vì áp đặt lý thuyết và quy tắc cứng nhắc (quyền lực cứng), hãy bắt đầu bằng việc tạo ra những khoảnh khắc kết nối với độc giả qua sự đồng cảm và thấu hiểu. Khi độc giả cảm thấy được dẫn dắt thấu hiểu và nhẹ nhàng, cam kết của họ sẽ tăng dần theo thời gian, đến khi họ tự nhiên chuyển đổi tư duy mà không cảm thấy bị ép buộc.
Việc quyết định sử dụng quyền lực cứng hay mềm phụ thuộc vào cách bạn muốn tiếp cận độc giả và mục tiêu bạn đặt ra cho cuốn sách. Tuy nhiên, quyền lực mềm thường mang lại kết quả tích cực hơn và bền vững hơn, khi nó khơi dậy sự tự nguyện cam kết và biến đổi trong hành động.
Một cuốn sách có thể là một công cụ mạnh mẽ để dẫn dắt sự chuyển hóa, nhưng chỉ khi nó được xây dựng trên nền tảng của sự thuyết phục, gắn kết và đồng cảm. Độc giả không phải là những học sinh ngồi nghe bạn giảng bài, mà bạn sẽ trở thành là người đồng hành trên hành trình thay đổi cuộc sống của họ.