Câu chuyện khiến triệu người thấy mình trong đó – và bài học viết sách từ Morgan Housel
Hãy viết sách từ những điều bình thường và chân thật nhất
Morgan Housel không phải là một nhà đầu tư tầm cỡ thế giới. Anh không điều hành quỹ đầu tư, không sở hữu bằng tiến sĩ về tài chính hay kinh tế học. Anh là một nhà báo, một người quan sát hành vi con người trong các quyết định tài chính.
Với xuất phát điểm giản dị ấy, anh đã viết cuốn sách The Psychology of Money (Tâm lý học về tiền bạc) và nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu.
The Psychology of Money ra mắt vào năm 2020 trong im lặng, không chiến dịch marketing rầm rộ, không lời hứa “giàu nhanh” thường thấy ở dòng sách tài chính. Thế nhưng, chỉ sau 4 năm, cuốn sách ấy đã đạt được những cột mốc mà bất kỳ tác giả nào cũng mơ ước:
Hơn 7 triệu bản được bán ra trên toàn cầu Không dựa vào chiêu trò, không đánh vào nỗi sợ hay lòng tham, cuốn sách vẫn âm thầm lan truyền qua từng lời giới thiệu, từng câu chuyện được chia sẻ lại. Người đọc mua không phải vì họ muốn làm giàu nhanh, mà vì họ muốn hiểu rõ hơn về chính mình.
Dịch ra hơn 60 ngôn ngữ Từ châu Âu, châu Á cho đến châu Phi và Mỹ Latin, cuốn sách được xuất bản ở hầu hết các quốc gia có ngành xuất bản phát triển. Điều đó cho thấy: các vấn đề về hành vi tài chính, cảm xúc khi dùng tiền – là trải nghiệm phổ quát của con người, bất kể văn hóa, quốc gia hay thu nhập.
Liên tục nằm trong danh sách Best-seller của New York Times, Wall Street Journal, Amazon Không phải trong một vài tuần ngắn ngủi sau khi ra mắt, mà duy trì liên tục trong nhiều năm. Điều đó cho thấy cuốn sách không chỉ “bán chạy” – mà thực sự được đọc, được lan toả và được trân trọng.
Bản thân Morgan Housel đã thú nhận, tài chính, làm giàu, tiền bạc là chủ đề luôn nóng và có nhiều người đề cập. Vậy điều gì đã tạo nên sự thành công cho cuốn sách của anh giữa một thị trường cạnh tranh và dường như đã bão hoà như vậy? Bản tin tuần này, chúng ta hãy cùng phám phá những quyết định đặc biệt đã dẫn tới thành công vượt trội cho Morgan Housel với The Psychology of Money và những điều có thể học hỏi từ đó.
Thành công là khi bạn viết và người đọc thấy chính mình trong đó
Trong thế giới bão hoà nội dung như hiện tại, người đọc không cần thêm một chuyên gia chỉ trỏ làm này làm kia mà không thực sự thấu hiểu vấn đề họ đang gặp phải, họ cần một người từng đứng ở vị trí của họ. Họ cần thấy mình trong trang sách.
Không có biểu đồ minh hoạ phức tạp.
Không có công thức đầu tư thần kỳ.
Không có checklist “10 bước làm giàu nhanh chóng”.
Thay vào đó, The Psychology of Money chỉ gồm 20 chương ngắn, mỗi chương như một mảnh gương – phản chiếu hành vi, cảm xúc, sai lầm và hy vọng mà ai trong chúng ta cũng từng mang theo khi đứng trước tiền bạc. Và từ đó, tác giả chia sẻ về những chiêm nghiệm đúc rút của mình.
Morgan Housel không viết để chứng minh mình biết nhiều hơn người đọc. Ngược lại, anh chọn cách viết như một người đã từng sai – và không ngại kể lại những sai lầm ấy một cách chân thật.
Anh từng đầu tư chỉ vì ganh đua, để không cảm thấy mình “tụt lại” so với người khác.
Anh từng chi tiền cho những thứ đắt đỏ, không phải vì thật sự cần, mà vì muốn được người khác nhìn nhận là “thành công”.
Anh từng bán tài sản quá sớm vì sợ hãi, rồi tiếc nuối hàng năm trời.
Anh cũng từng khao khát tự do tài chính, nhưng lại liên tục đưa ra những quyết định khiến bản thân lệ thuộc vào đồng tiền hơn nữa.
Thay vì giấu những điều đó đi, anh chia sẻ chúng một cách thẳng thắn – như thể đang trò chuyện với một người bạn. Và chính nhờ cách viết ấy, người đọc không cảm thấy bị dạy dỗ hay phán xét. Họ không cảm thấy mình “ngu ngốc” vì đã từng phạm những sai lầm tương tự. Thay vào đó, họ thấy được phản chiếu và thấy nhẹ nhõm.
“Mình cũng từng như vậy. Vậy thì, mình muốn sống khác đi như thế nào?”
Điều này đã khiến những chiêm nghiệm, thông điệp mà Morgan Housel đúc rút từ quá trình quan sát trên thị trường tài chính dễ ngấm vào độc giả hơn bao giờ hết. Và cũng chính sự giản dị ấy khiến The Psychology of Money trở thành cuốn sách “phổ biến mà không tầm thường, gần gũi mà không hời hợt” – và là lựa chọn đầu tiên cho bất kỳ ai đang tìm cách hiểu rõ hơn mối quan hệ của mình với tiền, và sâu hơn là với chính mình.
Đó là hình hài cuối mà độc giả có cơ hội cầm trên tay, điều đã dẫn tới thành công vượt trội của cuốn sách The Psychology of Money. Nhưng bất kì sản phẩm nào được ra đời cũng có một hành trình nhiều trăn trở trước đó. Bạn có tò mò điều gì đã khiến tác giả Morgan Housel lựa chọn cách khai thác như vậy? Liệu có phải anh muốn chơi trội hay chỉ đang đơn giản hoá những vấn đề tài chính vốn vẫn đang là ẩn số với nhiều người?
Phần tiếp theo, mình sẽ giúp bạn khám phá bí mật khiến cuốn sách The Psychology of Money trở thành tác phẩn không thể sao chép.
Đọc thêm bài viết:
Quyết định dũng cảm của Morgan Housel - Là chính mình!
Trong ngành xuất bản, đặc biệt là ở mảng tài chính cá nhân, “chuyên gia” gần như đã trở thành tiêu chuẩn ngầm. Phần lớn những cuốn sách bán chạy đều được viết bởi những người có học vị cao, thành tích ấn tượng, từng điều hành quỹ, sở hữu công ty triệu đô hoặc ít nhất cũng là “người thắng cuộc” trong thị trường tài chính.
Morgan Housel thì khác.
Anh không phải tỷ phú. Không có bằng tiến sĩ. Không đứng sau bất kỳ quỹ đầu tư lớn nào.
Và chính vì vậy, anh từng hoài nghi liệu ai sẽ lắng nghe tiếng nói của mình. Anh chia sẻ rằng mình từng tự đặt câu hỏi:
“Tôi không phải ai cả. Vậy ai sẽ đọc tôi?”
Và rồi anh nhận ra, người đọc chính là những người như anh trước đây.
Morgan Housel không phải một “tay ngang” viết về tài chính.
Anh đã có nhiều năm làm việc sâu trong ngành, là cây bút kỳ cựu của The Motley Fool và The Wall Street Journal, từng phỏng vấn, phân tích, và quan sát hàng nghìn tình huống tài chính ngoài đời thực. Đó là lúc anh nhìn thấy những gì mình muốn nói:
Tài chính là câu chuyện của cảm xúc, không phải của logic
Housel khẳng định rõ:
“Tài chính không phải là ngành của toán học. Nó là ngành của hành vi.”
Chúng ta không quyết định bằng bảng tính hay biểu đồ.
Chúng ta quyết định bằng nỗi sợ mất mát, bằng hy vọng có nhiều hơn, bằng ký ức từ quá khứ, và bằng lòng tin – đôi khi rất mơ hồ – vào tương lai. Và vì vậy, viết về tiền mà bỏ qua cảm xúc là viết thiếu đi một nửa sự thật.
Mọi người đều biết nên làm gì – nhưng không làm được
Không cần đọc thêm một cuốn sách nào, bạn cũng đã biết rằng mình nên tiết kiệm, nên đầu tư dài hạn, nên sống dưới khả năng tài chính của mình. Nhưng biết là một chuyện – còn làm được lại là chuyện khác. Giữa cái “nên” và cái “thực tế” là một vực sâu mang tên hành vi. Housel không dạy độc giả thêm kiến thức – anh giúp bạn nhìn thẳng vào lý do vì sao bạn không hành động như mình biết và tự nhìn nhận lại chính mình.
Câu chuyện khiến người ta nhớ – còn công thức thì không
Bạn sẽ không nhớ được chi tiết của một mô hình đầu tư phức tạp. Nhưng bạn sẽ nhớ mãi về ông gác cổng đã sống tằn tiện cả đời và để lại một gia tài triệu đô.
Bạn sẽ nhớ chuyện Warren Buffett bắt đầu đầu tư từ năm 10 tuổi và duy trì thói quen đó suốt 80 năm. Những câu chuyện thật ấy chạm vào cảm xúc – và khi cảm xúc được kích hoạt, ký ức trở nên sâu sắc và bền vững hơn. Đó là lý do tại sao Housel kể chuyện – chứ không trình bày công thức.
Anh muốn thay đổi cách định nghĩa “giàu có”
Câu hỏi không phải là “làm sao để giàu”, mà là “giàu để làm gì?”.
Housel trả lời:
“Giàu không phải là để khoe. Giàu là được sống theo cách bạn muốn, không bị tiền điều khiển.”
Đây là một định nghĩa mới giải phóng người đọc khỏi cuộc đua vô tận giữa tiêu dùng và sĩ diện.
Những gì Morgan Housel biết không đến từ lý thuyết sách vở, mà đến từ:
Những hành vi sai lầm có thật của nhà đầu tư.
Những động cơ ngầm phía sau một quyết định tài chính tưởng như hợp lý.
Và cả những mâu thuẫn giữa “điều người ta biết” và “điều người ta làm”.
Và đó là lúc anh quyết định là chính mình. Anh chọn viết lại những điều anh đã "tỉnh ngộ" cho những người như anh trước đây - vẫn còn đang u mê trong tư tưởng bó hẹp của mình.
Trong một thế giới nơi ai cũng muốn trở thành chuyên gia, Morgan Housel chọn làm một người kể chuyện bình thường. Trong một thế giới xuất bản thích hệ thống và lý thuyết, anh chọn viết bằng sự quan sát và đồng cảm. Trong một thế giới tài chính đề cao công thức và sự tính toán, anh chọn kể chuyện và đi từ cảm xúc.
Nếu bạn có trải nghiệm và dám đi vào nó một cách trung thực, thì điều bạn viết ra sẽ có sức nặng. Không vì bạn là chuyên gia, mà vì bạn đã sống điều đó. Morgan Housel cũng như vậy. Anh không thành công vì chỉ viết “dễ hiểu”, anh thành công vì viết chân thật – từ chính cuộc đời mình đã quan sát đủ lâu. Và đó là điều không ai có thể sao chép. Lựa chọn này tưởng như yếu thế lại tạo nên sức mạnh độc đáo của cuốn sách và sự thay đổi cho thế giới.
Đọc thêm bài viết:
Những chuyển hoá không ồn ào
Không áp đảo người đọc bằng danh tiếng.
Không thuyết phục bằng học hàm học vị.
Không dựa vào chiến lược truyền thông rầm rộ.
The Psychology of Money không phải là một hiện tượng bùng nổ kiểu “thành công sau một đêm”. Cuốn sách lặng lẽ lan toả từ độc giả này sang độc giả khác, không nhờ chiêu trò tiếp thị, mà nhờ điều giản dị: người đọc cảm thấy được thấu hiểu và chuyển hoá từ sự đồng cảm của tác giả.
Từ một nhà báo tài chính chuyên viết phân tích hành vi, Morgan Housel trở thành một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới xuất bản tài chính. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Đối với Morgan, sự chuyển hoá lớn nhất mà cuốn sách tạo ra cho mình đó là những thông điệp mà nó mang lại cho thế giới và chính anh:
Xác lập lại triết lý sống
Một trong những tuyên bố gây ảnh hưởng nhất của Housel không liên quan đến tiền bạc, mà liên quan đến thời gian:
“Giàu là kiểm soát được thời gian.”
Không phải thu nhập cao, tài sản nhiều, hay tài khoản đầu tư sinh lời lớn. Với anh, người thật sự giàu là người có thể tự quyết định cách sống mỗi ngày, không bị ràng buộc bởi kỳ vọng xã hội hay áp lực chứng minh bản thân.
Đó là sự giàu có bên trong – một định nghĩa giải phóng người đọc khỏi những hình mẫu hào nhoáng mà họ từng theo đuổi.
Thoát khỏi áp lực phải “chứng minh điều gì đó”
Housel từng viết:
“Bạn không cần phải chứng minh gì với ai cả. Càng ít người biết bạn giàu – bạn càng tự do.”
Thông điệp này không chỉ dành cho lĩnh vực tài chính, mà còn chạm đến cốt lõi của khủng hoảng hiện đại: cuộc đua không hồi kết để được nhìn nhận.
Với nhiều người, cuốn sách là lần đầu tiên họ được trao cho một lựa chọn khác: không cần chiến thắng để xứng đáng, không cần thể hiện để tồn tại.
Gắn kết cộng đồng độc giả toàn cầu
Sức ảnh hưởng của cuốn sách không nằm ở số bản in, mà nằm ở số cuộc trò chuyện nó khơi gợi.
Morgan Housel đã nhận hàng nghìn email từ độc giả ở khắp thế giới – những người không chỉ khen ngợi nội dung, mà chia sẻ về sự thay đổi trong cách họ:
Tiếp cận việc dạy con về tiền – không còn dựa trên sự sợ hãi hay kỳ vọng, mà bằng hiểu biết và tự do.
Nhìn lại quá khứ tài chính của mình – không còn mang mặc cảm, mà học cách bao dung.
Ra quyết định mới trong cuộc sống – không dựa trên trào lưu, mà từ giá trị thật của bản thân.
Đó là những chuyển hóa nội tâm bên trong, không ồn ào, không phô trương nhưng bền vững và sâu sắc.
Động lực để tiếp tục viết – không vì danh tiếng, mà vì điều đúng đắn
Sau thành công của The Psychology of Money, Housel không dừng lại để tận hưởng ánh hào quang. Anh tiếp tục viết: Same As Ever, The Art of Spending Money – không phải để giữ sức nóng của thương hiệu cá nhân, mà để chia sẻ những điều anh tin là cần thiết với con người hiện đại.
Anh viết không phải để có tiếng tăm hay sản phẩm mới mà vì anh tin rằng thế giới vẫn cần thêm những thông điệp mới, một cái nhìn trung thực hơn, tử tế hơn với chính mình.
Đọc thêm bài viết:
Bạn không cần trở thành người giỏi nhất để viết
Vậy nên nếu bạn đang ấp ủ một cuốn sách nhưng còn do dự vì cảm thấy mình “chưa đủ”: chưa đủ giỏi, chưa đủ nổi bật, chưa đủ tư cách để viết… thì hãy nhớ đến Morgan Housel. Anh không bắt đầu từ vị trí một người thành công nhất. Anh chỉ bắt đầu từ một người đã từng suy nghĩ sai lầm – và dám nói về những sai lầm ấy bằng sự trung thực, khiêm tốn, và thấu cảm.
Và bạn cũng như vậy, bạn không cần phải trở thành “người giỏi nhất” để viết. Bạn chỉ cần dám kể điều mình từng không dám thừa nhận và đã tỉnh ngộ để bước qua. Bởi vì chính điều bạn từng ngại nói ra, có thể lại là điều người khác đang cần nghe nhất.
Mình thường nói với các tác giả mình đồng hành rằng: "Khi viết, hãy tưởng tượng một vị độc giả đang ngồi ở trước mặt bạn." Hãy nhìn vào họ, lắng nghe và hình dung rõ ràng về những vướng mắc mà họ đang gặp phải. Bạn sẽ thấy họ như chính bạn trước đây. Đó là lúc bạn có thể thực sự đồng hành và cùng họ soi chiếu chính mình từ những gì bạn đã trải qua.
Sự chuyển hoá sẽ bắt đầu diễn ra ở đó.
The Transformation Book - Tri thức dẫn đường sự chuyển hóa
Subscribe bản tin của mình để đón đọc thêm các bài viết nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề viết sách, tư vấn chiến lược xuất bản và xây dựng thương hiệu tác giả nhé.