Cuốn sách của bạn "must-read" hay "DNF" (Did not Finish)?
Chiến lược 5C để độc giả không thể bỏ qua bất kỳ trang sách nào
Một cuốn sách thực sự có tác động không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn thúc đẩy người đọc thay đổi tư duy, hình thành thói quen mới hoặc thậm chí có những hành động cụ thể sau khi đọc xong. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng có thể làm được điều này. Sự khác biệt nằm ở cách cuốn sách xây dựng động lực cho người đọc – không chỉ giúp họ tiếp nhận thông tin, mà còn tạo ra cảm hứng để họ áp dụng vào thực tế.
Trong quá trình thực hiện bản thảo, nếu tác giả không có một chiến lược rõ ràng để duy trì sự hứng thú và thúc đẩy độc giả, thì rất có thể ngay cả những nội dung giá trị cũng sẽ bị bỏ lỡ. Vậy làm thế nào để một cuốn sách có thể duy trì động lực của người đọc từ trang đầu tiên đến khi họ thực sự hành động? Bản tin tuần này chúng ta hãy cùng khám phá về cách thức xây dựng động lực cho người đọc.
Động lực của độc giả đến từ đâu?
Để xây dựng một bản thảo có sức hút và có thể dẫn dắt người đọc đến hành động, trước hết chúng ta cần hiểu động lực của độc giả đến từ đâu?
Có hai loại động lực chính ảnh hưởng đến quyết định đọc và hành động của người đọc:
Động lực nội tại: Xuất phát từ nhu cầu tự thân của độc giả, chẳng hạn như mong muốn phát triển bản thân, khám phá kiến thức mới hoặc tìm giải pháp cho một vấn đề cá nhân. Khi động lực này đủ mạnh, người đọc sẽ chủ động tiếp cận nội dung, kiên trì áp dụng những gì học được và duy trì hành động trong thời gian dài.
Động lực ngoại lai: Hình thành do các yếu tố bên ngoài như áp lực xã hội, lời khuyên từ người khác, hay phần thưởng từ việc thực hiện một hành động nào đó. Loại động lực này có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng không bền vững nếu bản thân người đọc không thực sự tin tưởng vào giá trị của nội dung.
Một cuốn sách có tác động lâu dài là một cuốn sách có thể kích hoạt động lực nội tại của người đọc, giúp họ cảm thấy tự chủ, nhìn thấy sự tiến bộ, và có sự kết nối với nội dung. Đây cũng chính là ba yếu tố cốt lõi của Thuyết Tự Quyết (Self-Determination Theory) trong tâm lý học (được phát triển bởi Edward L. Deci và Richard M. Ryan vào những năm 1980), một mô hình đã được chứng minh có tác động lớn đến khả năng duy trì động lực của con người.
Bên cạnh đó, hai mô hình khác cũng rất hữu ích trong việc hiểu cách độc giả duy trì động lực khi đọc sách:
Thuyết thúc đẩy nhẹ (Nudge Theory):
Đây là một khái niệm trong kinh tế học hành vi và tâm lý học, được phổ biến bởi Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein trong cuốn sách Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth, and Happiness (2008).
Thuyết này cho rằng con người thường không đưa ra quyết định một cách hoàn toàn lý trí mà bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý và môi trường xung quanh. Do đó, nếu thiết kế môi trường một cách phù hợp, ta có thể "thúc đẩy nhẹ" (nudge) hành vi của họ theo hướng tích cực mà không cần ép buộc hay giới hạn lựa chọn.
Động lực của độc giả có thể được gia tăng đáng kể nếu cuốn sách sử dụng những tín hiệu nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như những câu hỏi gợi mở, những câu chuyện cá nhân, hoặc các bài tập thực hành giúp người đọc dễ dàng bắt đầu áp dụng kiến thức.
Tư duy phát triển (Growth Mindset):
Tư duy phát triển (Growth Mindset) là một khái niệm do Carol S. Dweck, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, phát triển trong cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success (2006). Khái niệm này đề cập đến niềm tin rằng khả năng và trí tuệ có thể được phát triển thông qua nỗ lực, học hỏi và trải nghiệm. Một cuốn sách có thể giúp người đọc tin rằng họ có thể thay đổi và phát triển, bằng cách chỉ ra con đường rõ ràng, từng bước, từ nhận thức đến hành động.
Chiến lược xây dựng động lực trong bản thảo sách: Mô hình 5C
Ba lý thuyết trên đều liên quan đến việc tạo động lực, thúc đẩy hành động và giúp độc giả duy trì cam kết với mục tiêu. Khi áp dụng vào việc xây dựng bản thảo sách, chúng có thể giúp tác giả thiết kế nội dung sao cho không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn kích thích hành động và sự chuyển hóa của độc giả. Như vậy, các mục tiêu cần đặt ra là:
Định dạng nội dung thông minh, gợi ý hành động nhỏ, tích cực giúp độc giả hành động dễ dàng hơn
Tạo động lực nội tại, trao quyền lựa chọn, giúp độc giả cảm thấy có năng lực để duy trì cam kết
Nhấn mạnh sự phát triển, chấp nhận sai lầm, khuyến khích thử nghiệm, giúp độc giả tin vào sự tiến bộ của họ
Nhưng làm sao có thể đảm bảo đạt được 3 mục tiêu này trong một bản thảo sách độ dài 50.000 -70.000 chữ?
Đi từ những nguyên tắc về động lực trên, mình đã tổng kết ra mô hình 5C mà bạn có thể sử dụng trong quá trình viết bản thảo để đảm bảo độc giả không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn có động lực thực hành và thay đổi.
Clarity - Làm rõ lý do tại sao độc giả cần đọc sách
Động lực đọc sách của độc giả chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ hiểu rõ cuốn sách này có ý nghĩa gì với họ. Nếu ngay từ đầu, họ không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi “Cuốn sách này giúp tôi giải quyết vấn đề gì?”, họ sẽ khó có động lực để tiếp tục đọc và áp dụng nội dung.
Vậy nên, câu hỏi đặt ra là: "Làm thế nào để định vị giá trị của cuốn sách ngay từ đầu?". Dưới đây là 2 lưu ý để bạn có thể làm được điều này.
Tuyên bố mạnh mẽ hoặc đưa ra câu hỏi lớn khiến độc giả suy ngẫm
Ngay trong phần mở đầu, cuốn sách cần giúp độc giả nhận ra vấn đề mà họ đang gặp phải, đồng thời khiến họ quan tâm và mong muốn tìm ra giải pháp. Một cách hiệu quả để làm điều này là sử dụng:
Một tuyên bố mạnh mẽ phản ánh chính xác vấn đề mà độc giả đang đối mặt.
Một câu hỏi lớn khiến độc giả phải suy nghĩ và nhận ra họ thực sự cần câu trả lời.
Ví dụ:
“Bạn có cảm thấy mình luôn bận rộn nhưng không đạt được kết quả như mong muốn?” (Atomic Habits – James Clear)
“Tại sao có những người chỉ cần làm việc 4 giờ một tuần nhưng vẫn thành công hơn bạn?” (The 4-Hour Workweek – Tim Ferriss)
“Nếu bạn không biết cách kiểm soát tài chính cá nhân, bạn có thể làm việc cả đời mà vẫn không có tự do tài chính.” (Rich Dad, Poor Dad – Robert Kiyosaki)
Những câu hỏi hoặc tuyên bố này ngay lập tức đặt độc giả vào tình huống phải suy nghĩ về vấn đề của chính họ, từ đó thúc đẩy họ tiếp tục tìm hiểu cuốn sách.
Đọc thêm bài viết:
Trình bày và dẫn dắt giá trị rõ ràng
Simon Sinek đã phát triển mô hình Golden Circle (Vòng tròn vàng) để giúp các doanh nghiệp truyền tải thông điệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, mô hình này cũng có thể áp dụng vào việc viết sách để làm rõ giá trị mà độc giả nhận được.
Vòng tròn vàng bao gồm ba cấp độ:
Why (Tại sao độc giả cần cuốn sách này?)
How (Cuốn sách sẽ giúp họ như thế nào?)
What (Cụ thể, họ có thể làm gì ngay bây giờ?)
Khi áp dụng mô hình này, tác giả cần làm rõ từng cấp độ ngay từ phần giới thiệu:
Why: Giải thích vấn đề quan trọng mà độc giả đang gặp phải và tại sao họ cần tìm kiếm giải pháp ngay bây giờ.
How: Trình bày cách cuốn sách này sẽ giúp họ giải quyết vấn đề đó, bằng phương pháp gì, dựa trên cơ sở nào.
What: Hướng dẫn cách thức tiếp cận phù hợp mà bạn giới thiệu cho cho độc giả
Ví dụ, nếu cuốn sách viết về quản lý thời gian, phần mở đầu có thể trình bày như sau:
Why: “Bạn có cảm thấy mình luôn bận rộn nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn? Bạn có biết rằng chỉ cần thay đổi một số thói quen nhỏ, bạn có thể làm việc ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn?”
How: “Cuốn sách này sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn về thời gian, hướng dẫn bạn cách ưu tiên công việc và xây dựng những thói quen làm việc hiệu quả thông qua việc quản lý sự tập trung và năng lượng chứ không chỉ thời gian.”
What: “Trong cuốn sách này, bạn sẽ được hướng dẫn cách áp dụng phương pháp ‘Time Blocking’ – chia ngày làm việc thành các khung thời gian tập trung cho từng loại nhiệm vụ quan trọng. ”
Bằng cách định vị cuốn sách theo mô hình này, độc giả sẽ thấy rõ họ sẽ nhận được gì từ việc đọc sách, thay vì cảm thấy mơ hồ về nội dung bên trong.
Connection - Tạo kết nối cảm xúc với độc giả
Thực tế, con người không chỉ tiếp nhận kiến thức bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc. Một cuốn sách thực sự có sức mạnh không phải chỉ vì nó có nhiều thông tin mới mẻ, mà vì nó có thể khiến độc giả cảm thấy được thấu hiểu, đồng cảm, và có động lực để hành động.
Hãy thử nhớ lại những cuốn sách đã tác động sâu sắc đến bạn. Đó chắc chắn không thể đơn thuần là một tài liệu lý thuyết khô khan, mà phải là một người đồng hành, giúp bạn nhìn thấy chính mình trong đó và thôi thúc tiếp tục đọc để tìm kiếm câu trả lời xuyên suốt cuốn sách. Sau đây là 3 cách để bạn có thể tạo kết nối cảm xúc với độc giả như vậy:
1. Sử dụng câu chuyện cá nhân hoặc case study thực tế
Con người có xu hướng ghi nhớ câu chuyện tốt hơn dữ liệu thuần túy. Một nghiên cứu trong ngành tâm lý học cho thấy, khi thông tin được truyền tải thông qua câu chuyện, khả năng ghi nhớ và kết nối của người đọc tăng lên đáng kể.
Một câu chuyện không chỉ giúp minh họa cho những lập luận của tác giả mà còn giúp độc giả cảm thấy liên quan, từ đó tạo ra sự đồng cảm.
Ví dụ, thay vì nói: "Nhiều người thất bại trong việc xây dựng thói quen vì họ đặt mục tiêu quá lớn và không có hệ thống duy trì."
Tác giả có thể kể một câu chuyện thực tế: "Tôi từng có một người bạn muốn tập thể dục mỗi sáng. Ngày đầu tiên, cô ấy đặt mục tiêu chạy 5km, nhưng đến ngày thứ ba, cô ấy bỏ cuộc vì quá mệt mỏi và cảm thấy mình không có động lực. Khi cô ấy thử áp dụng phương pháp đi bộ 5 phút mỗi sáng thay vì ép bản thân chạy 5km, dần dần, cô ấy hình thành thói quen và sau một tháng, việc tập luyện trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống của cô ấy."
Câu chuyện giúp độc giả cảm thấy được đồng cảm, bởi họ có thể thấy chính mình trong đó. Điều này khiến thông điệp trở nên sống động hơn, dễ tiếp nhận hơn, và quan trọng nhất là có thể truyền cảm hứng để họ hành động.
2. Đặt câu hỏi mang tính gợi mở để kích thích suy nghĩ
Một trong những cách hiệu quả để giúp độc giả tự nhìn thấy vấn đề của mình là đặt ra những câu hỏi gợi mở, buộc họ phải suy nghĩ và phản chiếu lại chính cuộc sống của họ.
Những câu hỏi này giúp người đọc không chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, mà còn chủ động liên hệ với tình huống cá nhân. Điều này giúp tăng mức độ tương tác của họ với nội dung và làm cho cuốn sách trở thành một hành trình tự khám phá.
Ví dụ, thay vì chỉ đưa ra lời khuyên: "Bạn cần xác định rõ ưu tiên trong công việc để tránh làm việc không hiệu quả."
Tác giả có thể đặt câu hỏi: "Bạn có bao giờ kết thúc một ngày làm việc mà cảm thấy mình bận rộn cả ngày nhưng vẫn chưa đạt được điều gì thực sự quan trọng không?"
Hoặc trong một cuốn sách về tài chính cá nhân, thay vì nói: "Tiết kiệm tiền là một thói quen quan trọng để có sự tự do tài chính."
Tác giả có thể đặt câu hỏi: "Nếu một tình huống khẩn cấp xảy ra ngay lúc này, bạn có đủ tiền tiết kiệm để đối phó mà không cần vay mượn không?"
Câu hỏi không chỉ làm nội dung trở nên đối thoại hơn mà còn giúp độc giả cảm thấy cuốn sách đang nói trực tiếp với họ.
3. Xây dựng giọng văn gần gũi, trò chuyện thay vì quá hàn lâm hoặc mang tính áp đặt
Một trong những rào cản lớn nhất khiến độc giả mất kết nối với một cuốn sách là giọng văn quá khô khan, mang tính học thuật hoặc giáo điều.
Một cuốn sách có giá trị không phải chỉ vì nó chứa đựng những ý tưởng thông minh, mà quan trọng hơn là những ý tưởng đó có thể đến được với người đọc hay không. Nếu ngôn ngữ quá phức tạp hoặc có cảm giác "dạy dỗ", độc giả có thể cảm thấy bị xa lánh và mất đi sự hứng thú.
Một giọng văn gần gũi, tự nhiên sẽ giúp độc giả cảm thấy như họ đang trò chuyện với một người bạn hoặc một người cố vấn đáng tin cậy.
Ví dụ, thay vì viết: "Việc đặt mục tiêu cụ thể và có thể đo lường là một nguyên tắc quan trọng trong quản lý thời gian."
Hãy thử một cách diễn đạt thân thiện hơn: "Nếu bạn chỉ nói ‘Tôi muốn làm việc hiệu quả hơn’ mà không có kế hoạch cụ thể, bạn có nghĩ rằng mình sẽ đạt được điều đó không? Thay vào đó, hãy thử đặt một mục tiêu rõ ràng: ‘Tôi sẽ làm xong bản kế hoạch trong 3 ngày tới’ hoặc ‘Tôi sẽ đọc 10 trang sách mỗi ngày’. Bạn sẽ thấy sự khác biệt rất lớn xảy ra."
Một ví dụ điển hình của việc sử dụng giọng văn gần gũi là cuốn The Subtle Art of Not Giving a Fck* của Mark Manson. Tác giả không cố gắng viết như một chuyên gia tâm lý học, mà sử dụng giọng điệu hài hước, thẳng thắn, đôi khi hơi "xù xì" nhưng lại rất gần gũi với độc giả. Chính cách viết này giúp cuốn sách trở nên dễ tiếp cận hơn, dù nó chứa đựng nhiều bài học quan trọng.
Challenge - Những thử thách nhỏ để giúp độc giả hành động
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến độc giả bỏ dở một cuốn sách là họ cảm thấy nội dung quá trừu tượng hoặc khó áp dụng vào thực tế. Nếu bạn đọc một cuốn sách chỉ cung cấp lý thuyết mà không hướng dẫn cách hành động cụ thể, bạn có thấy bị quá tải thông tin, dẫn đến cảm giác chán nản và mất động lực? Độc giả của bạn cũng vậy.
Ngược lại, khi nội dung được chia nhỏ thành các bước rõ ràng, có thể thực hiện ngay, độc giả sẽ cảm thấy tiến bộ từng chút một. Chính những thành công nhỏ này tạo ra cảm giác hài lòng và giúp họ duy trì động lực đọc cũng như áp dụng những gì học được vào thực tế.
Chia nhỏ nội dung thành các bước đơn giản, có tính thực hành cao
Một cuốn sách hiệu quả không chỉ nói về cái gì mà còn phải chỉ ra làm thế nào để thực hiện. Điều này đặc biệt quan trọng với các thể loại sách hướng dẫn, kỹ năng, phát triển bản thân, hoặc kinh doanh.
Thay vì trình bày những khái niệm phức tạp trong một phần dài, bạn nên:
Chia nhỏ nội dung thành từng bước dễ thực hiện.
Sử dụng danh sách, sơ đồ, hoặc bảng tổng kết để giúp độc giả dễ theo dõi.
Đưa ra ví dụ thực tế sau mỗi bước để minh họa cách áp dụng.
Ví dụ, nếu một cuốn sách hướng dẫn về quản lý thời gian chỉ nói: "Bạn cần ưu tiên công việc quan trọng trước."
Thì điều này có thể quá chung chung và không giúp độc giả biết cách thực hiện.
Thay vào đó, tác giả có thể chia nội dung thành một quy trình cụ thể như:
Viết danh sách tất cả công việc bạn phải làm trong ngày.
Đánh dấu những việc quan trọng theo nguyên tắc Ma trận Eisenhower (quan trọng – không quan trọng, khẩn cấp – không khẩn cấp).
Lựa chọn ba nhiệm vụ quan trọng nhất và tập trung hoàn thành chúng trước.
Loại bỏ hoặc ủy thác những việc không quan trọng để tiết kiệm thời gian.
Khi có hướng dẫn cụ thể như vậy, độc giả sẽ dễ dàng bắt đầu ngay lập tức thay vì chỉ đọc rồi để đó.
Kết thúc mỗi chương bằng một thử thách nhỏ hoặc bài tập ứng dụng
Việc đọc một cuốn sách không đồng nghĩa với việc thay đổi, trừ khi người đọc thực sự áp dụng những gì họ học được. Một cách hiệu quả để thúc đẩy độc giả hành động là đưa ra bài tập hoặc thử thách nhỏ ở cuối mỗi chương.
Lợi ích của việc này:
Giúp độc giả hệ thống lại kiến thức vừa học.
Khuyến khích họ thực hiện ngay thay vì chỉ suy nghĩ về nó.
Giúp họ theo dõi sự tiến bộ của bản thân.
Ví dụ, trong cuốn The 5 AM Club của Robin Sharma, mỗi chương đều kết thúc bằng một thử thách như:
"Trong tuần tới, hãy thử dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày và quan sát cách điều đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn."
"Viết ra ba việc bạn muốn hoàn thành trước 8 giờ sáng để tạo động lực khởi đầu ngày mới."
Những thử thách này giúp độc giả trải nghiệm ngay lập tức thay đổi mà cuốn sách đề xuất, từ đó duy trì động lực lâu dài hơn.
Đọc thêm bài viết:
Celebration - Tạo ra những chiến thắng nhỏ để giữ động lực
Hãy tưởng tượng một người đang cố gắng học ngoại ngữ. Nếu sau một tháng, họ vẫn cảm thấy như chưa tiến bộ, họ sẽ dễ nản chí và từ bỏ. Ngược lại, nếu họ nhận ra rằng mình đã học được 50 từ mới, có thể giao tiếp những câu đơn giản, họ sẽ có động lực để tiếp tục. Đọc sách cũng vậy – nếu độc giả không thấy mình đang tiến lên, họ sẽ mất hứng thú và ngừng lại.
Vậy làm thế nào để giúp độc giả cảm thấy mình đang tiến bộ khi đọc một cuốn sách? Bạn hãy động viên độc giả của bạn về sự cố gắng của họ và ủng hộ những "chiến thắng nhỏ" mà họ đã tạo ra. Dưới đây là một số cách thức bạn có thể tham khảo:
1. Sử dụng ngôn ngữ khích lệ để giúp độc giả tự tin hơn
Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người đọc. Một cuốn sách có thể giúp độc giả tin tưởng hơn vào khả năng thay đổi của mình thông qua cách diễn đạt tích cực và mang tính khích lệ.
Bạn hãy thử so sánh hai cách viết sau:
Cách 1 (không có tính khích lệ): “Hình thành một thói quen mới cần rất nhiều nỗ lực. Hầu hết mọi người thất bại vì họ không đủ kiên nhẫn.”
Cách 2 (có tính khích lệ): “Hình thành một thói quen mới có thể là một thử thách, nhưng nếu bạn kiên trì từng bước nhỏ, bạn sẽ thấy sự thay đổi tích cực. Đừng lo lắng nếu bạn không hoàn hảo ngay từ đầu – mỗi ngày bạn chỉ cần tiến bộ một chút là đủ.”
Cách thứ hai giúp độc giả cảm thấy rằng họ có thể làm được thay vì cảm thấy áp lực về khả năng thất bại.
2. Đề xuất cách giúp độc giả theo dõi sự tiến bộ của họ
Một lý do khác khiến độc giả mất động lực là họ không nhận ra sự tiến bộ của mình theo cách cụ thể. Nếu không có một hệ thống theo dõi rõ ràng, họ sẽ có cảm giác như mình đang đi mãi mà không đến đích.
Một số cách hiệu quả để giúp độc giả cảm nhận sự tiến bộ:
Viết nhật ký hành trình đọc sách
Khuyến khích độc giả ghi lại những điều họ học được sau mỗi chương.
Yêu cầu họ viết xuống một hành động cụ thể mà họ có thể thực hiện ngay sau khi đọc xong một phần nội dung.
Ví dụ, trong cuốn Atomic Habits, James Clear đề xuất người đọc viết ra những thay đổi nhỏ họ muốn thực hiện và ghi chú lại sự thay đổi sau mỗi tuần. Điều này giúp họ thấy rõ quá trình cải thiện của mình, dù chỉ là những bước nhỏ.
Sử dụng danh sách kiểm tra (Checklist)
Cuốn sách có thể cung cấp một danh sách kiểm tra (checklist) để độc giả đánh dấu những điều họ đã thực hiện.
Khi thấy danh sách ngày càng được hoàn thành, họ sẽ có cảm giác mình đang tiến lên.
Ví dụ, trong một cuốn sách về quản lý thời gian, tác giả có thể đưa ra một danh sách như sau:
✔ Xác định ba việc quan trọng nhất mỗi ngày
✔ Tắt thông báo điện thoại khi làm việc
✔ Dành 30 phút cuối ngày để đánh giá hiệu suất làm việc
Đặt mốc tiến độ theo thời gian
Một số cuốn sách đưa ra mốc thời gian cụ thể để giúp độc giả theo dõi quá trình tiến bộ.
Ví dụ, trong cuốn The 5 AM Club, Robin Sharma hướng dẫn độc giả thử dậy sớm trong 66 ngày và ghi lại cảm nhận mỗi ngày để thấy sự thay đổi.
Cuốn Grit của Angela Duckworth cũng làm rất tốt điều này. Tác giả không chỉ nói về ý chí và sự bền bỉ một cách lý thuyết, mà còn cung cấp một bài kiểm tra đo lường mức độ kiên trì, giúp độc giả có thể tự đánh giá và theo dõi sự tiến bộ của mình theo thời gian.
Commitment - Giúp độc giả cam kết hành động dài hạn
Nhiều độc giả từng cảm thấy tràn đầy động lực sau khi đọc một cuốn sách, nhưng chỉ vài tuần sau, họ quay trở lại thói quen cũ vì không có một hệ thống giúp họ cam kết với những gì đã học được. Giá trị thực sự của một cuốn sách không nằm ở việc nó khiến độc giả cảm thấy hứng khởi ngay lúc đọc, mà ở việc nó giúp họ duy trì những thay đổi lâu dài trong cuộc sống. Do đó, một cuốn sách có tác động lâu dài cần cung cấp những cơ chế để giữ cho độc giả tiếp tục tiến lên, ngay cả sau khi họ đã đọc xong trang cuối cùng. Bạn có thể thực hiện những hoạt động sau để làm được điều đó.
1. Hãy kết thúc cuốn sách bằng một bản cam kết hành động
Khi độc giả viết ra cam kết của mình, họ sẽ có nhiều khả năng thực hiện nó hơn. Nghiên cứu trong tâm lý học chỉ ra rằng việc đặt mục tiêu rõ ràng và cam kết bằng văn bản sẽ giúp tăng đáng kể khả năng hoàn thành mục tiêu.
Tác giả có thể tạo ra một phần đặc biệt ở cuối sách, nơi độc giả được hướng dẫn viết xuống:
Một thay đổi họ muốn thực hiện sau khi đọc sách.
Lý do họ muốn thực hiện thay đổi này.
Bước đầu tiên họ có thể làm ngay để bắt đầu.
Cách họ sẽ đo lường sự tiến bộ của mình.
Ví dụ, trong một cuốn sách về phát triển thói quen, phần cam kết có thể trông như thế này:
Bản cam kết thay đổi của tôi Tôi cam kết sẽ thực hiện thay đổi sau: 👉 Thói quen tôi muốn xây dựng: ___________________________________ 👉 Lý do tôi muốn thực hiện thay đổi này: ___________________________ 👉 Hành động đầu tiên tôi sẽ làm ngay hôm nay: _______________________ 👉 Tôi sẽ theo dõi tiến trình của mình bằng cách: _______________________
Khi độc giả điền vào bản cam kết này, họ sẽ có cảm giác đây không chỉ là một cuốn sách – mà là một kế hoạch hành động cá nhân.
Một ví dụ thành công về việc này là cuốn The 5 Second Rule của Mel Robbins. Ở phần cuối sách, tác giả khuyến khích độc giả viết ra cam kết về việc sử dụng quy tắc “5 giây” để vượt qua sự trì hoãn, đồng thời hướng dẫn họ cách đặt mục tiêu rõ ràng và theo dõi sự tiến bộ của mình.
2. Tạo ra một hệ thống giúp độc giả duy trì sự thay đổi
Một cuốn sách có thể giúp độc giả bắt đầu, nhưng một hệ thống hỗ trợ sẽ giúp họ tiếp tục tiến lên. Tác giả có thể cung cấp:
Lịch trình thực hành 30 ngày để giúp độc giả từng bước áp dụng nội dung sách vào cuộc sống.
Email follow-up hoặc ứng dụng đi kèm, nhắc nhở độc giả mỗi tuần về hành trình thay đổi của họ.
Những bài tập duy trì thói quen, chẳng hạn như một bài viết hàng tuần giúp độc giả củng cố kiến thức và tiếp tục thực hành.
Một ví dụ điển hình là cuốn The Miracle Morning của Hal Elrod. Sau khi xuất bản, tác giả đã phát triển một cộng đồng toàn cầu và một ứng dụng điện thoại để giúp độc giả tiếp tục thực hành thói quen dậy sớm của họ. Nhờ vậy, cuốn sách không chỉ truyền cảm hứng mà còn thực sự tạo ra một phong trào thay đổi lối sống.
3. Gợi ý cách duy trì động lực sau khi đọc sách
Một trong những lý do khiến độc giả khó duy trì hành động là họ không có môi trường hỗ trợ. Khi đọc sách, họ có thể cảm thấy được tiếp thêm năng lượng, nhưng sau đó, nếu không có ai cùng đồng hành, họ dễ rơi vào trạng thái trì hoãn và quên đi những gì đã học.
Tác giả có thể giúp độc giả duy trì động lực bằng cách:
Hướng dẫn họ tham gia vào một cộng đồng liên quan
Nếu cuốn sách liên quan đến phát triển cá nhân, tác giả có thể đề xuất độc giả tham gia vào các nhóm hỗ trợ trên Facebook, LinkedIn hoặc các diễn đàn trực tuyến để cùng trao đổi và giữ lửa động lực.
Ví dụ, sau khi xuất bản cuốn Atomic Habits, James Clear đã tạo ra một cộng đồng trực tuyến nơi độc giả có thể chia sẻ hành trình thay đổi thói quen của họ. Điều này giúp họ không chỉ học hỏi thêm từ những người khác mà còn cảm thấy mình không đơn độc trong quá trình thay đổi.
Giới thiệu các tài nguyên học tập liên quan
Một cuốn sách có thể là điểm khởi đầu, nhưng để duy trì động lực, độc giả cần tiếp tục học hỏi và đào sâu kiến thức.
Tác giả có thể gợi ý các cuốn sách liên quan, các khóa học trực tuyến, hoặc những bài viết giúp độc giả đi xa hơn trên hành trình phát triển bản thân.
Ví dụ, trong cuốn Deep Work, Cal Newport không chỉ cung cấp phương pháp làm việc tập trung mà còn hướng dẫn độc giả tiếp tục rèn luyện khả năng này bằng cách hạn chế mạng xã hội, thực hành thiền tư duy, và đọc thêm các tài liệu chuyên sâu.
Đọc thêm bài viết:
Khuyến khích độc giả chia sẻ hành trình của họ
Việc chia sẻ cam kết công khai sẽ giúp độc giả cảm thấy có trách nhiệm hơn với những gì họ đã đặt ra.
Cuốn sách có thể khuyến khích độc giả viết một bài blog, đăng lên mạng xã hội, hoặc thậm chí chia sẻ với một người bạn về những điều họ học được và cách họ sẽ áp dụng nó vào cuộc sống.
Ví dụ, sau khi đọc The 4-Hour Workweek của Tim Ferriss, nhiều độc giả đã chia sẻ hành trình thử nghiệm lối sống làm việc ít hơn nhưng hiệu quả hơn. Những câu chuyện này không chỉ giúp chính họ duy trì động lực mà còn truyền cảm hứng cho những người khác.
Kết luận
Một cuốn sách "must-read" không chỉ chứa những nội dung khiến độc giả gật gù, tâm đắc, mà còn thúc đẩy họ hành động. Để khi hoàn thành trang cuối cùng, độc giả không chỉ mang theo những ý tưởng mới mà còn có niềm tin vào khả năng thay đổi của chính mình.
Với mô hình 5C – Clarity, Connection, Challenge, Celebration, Commitment, bạn đã có trong tay những chiến lược giúp giữ chân độc giả, duy trì động lực của họ từ chương đầu tiên cho đến hành động thực tế. Khi một cuốn sách có thể tạo ra sự kết nối cảm xúc, định hướng rõ ràng, đưa ra thử thách phù hợp, công nhận sự tiến bộ và hỗ trợ độc giả cam kết dài hạn, nó không chỉ đơn thuần là một tác phẩm – nó trở thành một hành trình chuyển hóa.
Nhưng hãy nhớ rằng, điều quan trọng không chỉ nằm ở cấu trúc nội dung, mà còn ở tâm huyết bạn gửi gắm vào từng trang viết. Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời người đọc chỉ khi trước hết, nó đến từ sự chân thành và mong muốn tạo ra giá trị thực sự.
Vậy, bạn sẽ áp dụng những nguyên tắc này vào bản thảo của mình như thế nào? Cuốn sách bạn đang viết có thể không chỉ được đọc, mà còn được sống và trải nghiệm.
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Vì biết đâu, chính cuốn sách của bạn sẽ là thứ độc giả đang chờ đợi để thay đổi cuộc đời họ.
Subscribe bản tin của mình để đón đọc thêm các bài viết nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề xây dựng thương hiệu tác giả và xuất bản sách trong tương lai.