10 điều tôi học được từ tác giả của mình
Và chúng sẽ giúp bạn viết nên cuốn sách đời mình
3 tháng hoàn thành bản thảo, xuất bản trong 5 tháng, và tái bản sau 2 tuần phát hành.
Nhưng những con số kỷ lục đó không phải là tất cả những điều mình khiến nhớ tới khi nhắc đến cuốn sách "Nếp nhà - Từ gốc rễ đến ngọn gió" của tác giả Nguyễn Hồng Phương.
Điều khiến hành trình 8 tháng trở nên đặc biệt, vì mình không chỉ là mentor của chị, mà mình còn học được rất nhiều điều từ chị.
Mình từng đồng hành với nhiều tác giả, trong các vai trò người hướng dẫn, người đồng khởi tạo, người lắng nghe và phản biện. Nhưng hành trình cùng tác giả Nguyễn Hồng Phương – người đã viết nên cuốn Nếp Nhà – Từ gốc rễ đến ngọn gió – để lại cho mình một sự chuyển động nội tâm đặc biệt.
Hành trình ấy đã giúp mình nhận ra: sự kỷ luật, tập trung đi cùng nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình trong quá trình viết sách – chính là điều sẽ dẫn tác giả tới đích.
Bài viết này là tập hợp mười bài học mình đã rút ra được từ quá trình đặc biệt đồng hành cùng tác giả Hồng Phương – không phải là mười bí quyết viết nhanh, mà là mười yếu tố cốt lõi của sự trưởng thành trong tư duy, cảm xúc, hệ thống và tâm thế – mà bất kỳ ai viết sách một cách nghiêm túc đều cần chạm tới.
Bài viết này mình viết tặng chị Phương nhân dịp ra mắt và tái bản cuốn sách đầu tay, nhưng cũng để dành tặng bạn - những người còn đang loay hoay với nhiều sự trì hoãn trên hành trình của chính mình.
10 bài học cho những ai đang theo đuổi hành trình xuất bản sách
Có một thứ cảm xúc đặc biệt chỉ xuất hiện khi bạn sống cùng một người đang viết sách: bạn được chứng kiến họ đấu tranh với chính mình, từng câu chữ, từng sáng sớm mỏi mệt, từng phút tự hào vì một đoạn viết ưng ý vừa xong, từng sự bất an lo lắng rồi lại vỡ oà hạnh phúc.
Mình đã ở trạng thái như vậy, trong suốt 8 tháng qua cùng tác giả Nguyễn Hồng Phương – người đã viết cuốn sách "Nếp Nhà – Từ gốc rễ đến ngọn gió". Và chính hành trình này đã cho mình được quan sát và đúc rút nên 10 bài học mà mình tin rằng bất kì tác giả nào cũng cần tới.
Mọi hành trình đều có thể bắt đầu từ một tâm huyết
Chị Hồng Phương là chuyên gia tư vấn xây dựng trường học và doanh nghiệp hạnh phúc, cũng đang là CWO (Chief Wellbeing Officer) tại FPT Education với 25 năm kinh nghiệm trong giáo dục và phát triển con người.
Tuy vậy, chị Phương không bắt đầu hành trình viết sách với tham vọng trở thành tác giả bestseller. Chị không nghĩ đến danh tiếng, cũng không có một “chiến lược sản phẩm” như nhiều người thường đặt ra. Chị chỉ mang theo một tâm nguyện âm thầm đã ấp ủ suốt nhiều năm: viết một cuốn hồi ký tặng mẹ – người đã mất từ 15 năm trước. Đó là nỗi nhớ chưa từng được viết thành lời. Là một món nợ tình cảm mà chị cảm thấy cần phải hoàn trả bằng chữ nghĩa.
Suốt những bài tập để định hình chiến lược sách, cùng đối thoại về triết lý sống, giáo dục – chúng mình cùng chứng kiến sự chuyển hoá ấy. Từ một cuốn hồi ký mang tính cá nhân, Nếp Nhà đã trở thành một công trình tri thức – một tác phẩm có giá trị văn hoá – một không gian mở nơi độc giả có thể bắt gặp chính gia đình mình, ký ức mình, và những câu hỏi mà xã hội hiện đại đang dần quên đặt ra: “Mình đang giữ gì trong căn nhà của mình? Và mình có đang trao lại điều gì đó đáng kể cho thế hệ sau?”
Chính nhờ sự thay đổi trong chiến lược này đã mang tới sự thành công đột phá cho tác phẩm, nó không chỉ còn nằm trong giới hạn của gia đình tác giả, nó chạm tới và giải quyết vấn đề của xã hội và thời đại. Nó không chỉ để ghi lại hành trình trước và còn mở ra một tương lai rộng lớn phía sau cho độc giả, cộng đồng và chính sự phát triển của tác giả.
Và đó chính là điều mình muốn chia sẻ với bạn: bạn không cần phải có sẵn một “ý tưởng lớn” để bắt đầu viết sách. Bạn chỉ cần một điều thật sự quan trọng với bạn. Khi bạn cho phép mình bắt đầu, ý tưởng sẽ tự lớn lên trong quá trình bạn lắng nghe chính mình, đào sâu chính mình, và kết nối lại với thế giới quanh mình.
Nếu bạn đủ chân thành để bước vào, cuốn sách sẽ lớn dần lớn lên cùng với chính bạn.
(Hình ảnh chị Hồng Phương cùng 3 mentor trong Book Camp T1/2025 tại Hội An)
Lưu trữ ký ức: Điều làm nên cuốn sách hay không phải là bằng cấp, mà là hành trình sống được gạn lọc
Một điều may mắn là trong Trại viết sách 2024, mình được phân ở cùng phòng và cuối cùng lại là mentor của chị Phương.
Mình rất xúc động khi 2 chiếc vali chị mang theo thì nguyên một chiếc dùng để chứa những kỷ vật – một hộp thư tay từ hơn hai mươi năm trước, vài tấm ảnh cũ đã ngả màu, những tờ báo từ thời còn làm nghiên cứu sinh ở Pháp...
Chị không chỉ mang chúng như vật trang trí. Chị mở từng bức thư, đọc từng đoạn ghi chép, chiêm nghiệm lại từng lát cắt ký ức. Những gì tưởng đã lùi xa bỗng trở thành chất liệu sống động, hiện diện trong từng dòng viết – không chỉ như một minh họa, mà như một tầng nghĩa ngầm giúp người đọc chạm vào bối cảnh thật, cảm xúc thật, giá trị thật.
Điều này khiến mình nghĩ đến luận điểm của Giáo sư Jerome Bruner – nhà tâm lý học giáo dục hàng đầu, người khẳng định rằng: tri thức trở nên đáng nhớ nhất khi được gắn kết vào một câu chuyện. Và câu chuyện trở nên thuyết phục nhất khi nó có gốc rễ từ chính trải nghiệm thật của người kể.
Trong một thế giới mà ai cũng có thể dễ dàng tổng hợp thông tin từ Internet, thì thứ khiến một cuốn sách trở nên đặc biệt không còn là “mình biết gì”, mà là “mình đã sống qua điều gì, và mình đã học gì từ đó”.
Ký ức, nếu chỉ được giữ lại trong đầu, có thể nhạt đi theo thời gian. Nhưng khi được lưu trữ, sắp đặt, chiêm nghiệm và kết tinh thành nội dung, nó trở thành tài sản không ai có thể sao chép.
Chị Phương không viết sách như một chuyên gia đang giảng giải, mà như một người trở lại đối thoại với chính mình – và mời người đọc cùng ngồi vào cuộc đối thoại ấy. Và chính điều đó làm nên sự tin cậy, sự sâu sắc và sự lay động trong từng chương sách.
(Hình ảnh tư liệu chị Hồng Phương mang theo đi tới Trại viết sách)
Nếu bạn đang ấp ủ viết sách, hãy bắt đầu từ câu hỏi: “Trong đời sống của tôi, đâu là ký ức đáng được kể lại, đâu là trải nghiệm đáng nhớ, đâu là câu chuyện rất cần được kể để có thể giúp ích người khác?”. Hãy đi từ những chất liệu đó, nó là những điểm chạm cảm xúc nhưng cũng chính là những điều đã được kiểm chứng trong thực tế - điều rất thiếu trong thời đại thông tin có thể dễ dàng được tổng hợp bởi công nghệ như hiện nay.
Đọc thêm bài viết:
Tư duy hệ thống: Sách không chỉ được viết bằng cảm hứng – mà bằng cấu trúc tư duy rõ ràng
Chị Phương là tiến sĩ công nghệ, nên mình không quá bất ngờ khi thấy chị sắp xếp các tư liệu, ý tưởng, chương mục với độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhưng điều khiến mình thực sự ấn tượng là: chị không làm điều đó chỉ vì tính cách cẩn thận, mà vì chị hiểu sâu sắc rằng muốn viết sách, trước tiên người viết phải trở thành một kiến trúc sư tri thức – người thiết kế một cấu trúc có khả năng nâng đỡ nội dung và tạo ra trải nghiệm học tập hiệu quả cho người đọc.
Đúng như được hướng dẫn, chị phát triển nội dung đi từ tổng quan chiến lược xuất bản, tới dòng chảy nội dung, outline rồi mới bắt đầu viết chi tiết.
Mỗi chương sách chị đặt trong một thư mục riêng. Chị lưu giữ cả bản gốc và bản chỉnh sửa để có thể theo dõi tiến trình thay đổi của tư duy. Các file được đặt tên theo số thứ tự, chủ đề và cả mức độ hoàn thiện – để khi cần xem lại, mọi thứ đều rõ ràng.
Nhờ vậy, quá trình viết không bị ngắt quãng. Và khi nhìn lại, mình có thể cảm nhận rõ: mỗi chương trong cuốn sách như một tầng lầu được xây chắc chắn – từng viên gạch tri thức được đặt đúng chỗ, đúng hướng, đúng trình tự. Cuốn sách không phải là một bản ghi nhớ, mà là một công trình mang tư duy có thiết kế.
Về mặt khoa học, điều này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Giáo sư Barbara Oakley – tác giả cuốn A Mind for Numbers, người đã chỉ ra rằng: não bộ học hiệu quả nhất khi thông tin được tổ chức theo mô hình phân lớp (layered structure) – tức là kiến thức không xếp theo kiểu tuyến tính, mà phải được gắn kết trong các cấp độ từ tổng quan đến chi tiết, từ đơn lẻ đến hệ thống. Và điều này đúng cả khi bạn là người học, lẫn khi bạn là người dạy – hay viết sách.
Mình thấy có quá nhiều tác giả bắt đầu viết bằng cảm hứng – họ cứ ngồi xuống, viết ra điều mình đang nghĩ. Nhưng rồi chỉ sau vài chương, bản thảo trở nên rối rắm, thiếu mạch lạc. Người viết hoang mang, người đọc không hiểu.
Ngược lại, khi bạn xây dựng được một cấu trúc tư duy ngay từ đầu – cuốn sách trở thành một hệ sinh thái tri thức: có bản đồ, có đường đi, có mối liên kết giữa các phần. Nó không chỉ giúp bạn viết mạch lạc hơn, mà còn khiến độc giả đi xa hơn – vì họ được dẫn dắt, được hiểu và được ở lại lâu hơn với nội dung bạn gửi gắm.
Khác với nhầm tưởng của mọi người: tư duy hệ thống không phải là “khuôn mẫu khô khan", thực ra nó là cách để bạn làm chủ chính hành trình sáng tạo của mình.
Sự rõ ràng: Không có đoạn văn hay nếu tư duy bên trong còn mơ hồ
Trong suốt quá trình đồng hành cùng chị Phương, điều khiến mình nể phục không chỉ là khả năng viết – mà là độ sáng rõ trong cách chị tư duy từng đoạn văn. Mỗi phần chị viết đều có cấu trúc rõ ràng: bắt đầu bằng một ý chính, được triển khai bằng trải nghiệm hoặc lý lẽ cụ thể, và kết thúc bằng một kết luận chặt chẽ. Không có chỗ cho sự lấp lửng. Không có đoạn nào “viết cho hay” mà không có trọng tâm.
Điều đặc biệt là: chị không chấp nhận sự mơ hồ – cả trong cách viết lẫn trong quá trình nhận phản hồi. Mỗi khi mình đặt câu hỏi hay góp ý, chị luôn hỏi ngược lại rất kỹ: “Nguyệt Anh thấy điểm nào chưa rõ?”, “Mình đang cố diễn đạt điều này – nhưng nếu bạn đọc thành điều khác, thì cần chỉnh ở đâu?”, “Chị đang muốn giữ sắc thái này – vậy nên giữ nguyên hay phải làm lại?”
Mỗi phản hồi đều không chỉ là một lượt chỉnh sửa – mà là một lần rà soát lại tầng tư duy bên dưới câu chữ. Khi viết, chúng ta cần đặt ra yêu cầu rất cao cho chính mình – rằng một người viết sách, dù không phải nhà văn, cũng phải đủ dũng cảm và tử tế để làm rõ từng giả định, định nghĩa, và thông điệp mình đưa ra.
Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Tư duy Phản biện (Foundation for Critical Thinking) cũng chỉ ra: rõ ràng là kết quả của một quá trình đối thoại nghiêm túc với chính mình. Nếu bạn không thể viết mạch lạc, có thể là vì bạn chưa tư duy đủ sâu. Và nếu bạn dám đi sâu, sự rành mạch sẽ là hệ quả tự nhiên.
Nếu bạn đang viết sách, mình mời bạn bắt đầu từ việc tự hỏi: “Mình đã hiểu rõ điều mình muốn nói chưa?” Và nếu câu trả lời chưa chắc chắn, thì đừng vội viết tiếp – hãy ngồi lại, tư duy thêm. Vì chỉ khi nội dung của bạn thuyết phục chính bạn, nó mới có thể thuyết phục người khác.
Không gian viết: Nơi bạn viết sẽ định hình cách bạn sống với cuốn sách
Có một điều mình luôn quan sát rất kỹ ở các tác giả trong trại viết: cách họ sắp xếp không gian làm việc tiết lộ rất nhiều về mức độ cam kết, nhịp điệu sáng tạo và chiều sâu nội tâm của họ. Và với chị Phương – ngày đầu tiên nhận phòng trại viết, mình đã thấy rõ một điều: chị không đến để “thử xem sao”. Chị đến để hết mình với hành trình này.
Việc đầu tiên chị làm là thiết lập một góc viết riêng của mình. Một chiếc bàn nhỏ có khăn trải bàn, những cuốn sách tham khảo ề, bút viết, giấy note, băng dính, kéo, bảng dán timeline… tất cả đều có mặt.
Và từ ngày hôm đó, suốt 7 ngày ngày, chị ngồi đúng vào chỗ ấy. Viết đều đặn. Không thay đổi. Không tuỳ hứng. Như thể mỗi sáng là một khởi đầu mới – và đó là chỗ chị dành trọn vẹn sự hiện diện của mình với cuốn sách.(
(Góc viết sách mỗi ngày của chị Phương)
Tác giả Cal Newport trong cuốn Deep Work đã nhấn mạnh rằng: để đi vào trạng thái tập trung sâu – nơi mà tư duy thực sự được rèn giũa – con người cần một “ritual space” (không gian nghi thức), nơi mọi yếu tố từ ánh sáng, âm thanh, đến vật dụng xung quanh đều được giữ ổn định như một ám hiệu kích hoạt sự tập trung.
Không gian viết không chỉ là nơi bạn “ngồi xuống làm việc.” Nó là không gian bạn nói với bản thân rằng: “Tôi nghiêm túc với hành trình này.” Và não bộ của bạn, trái tim của bạn, ý chí của bạn – tất cả sẽ dần học cách đáp lại thông điệp ấy.
Mình đã từng thấy nhiều tác giả viết sách từ quán cà phê, từ phòng ngủ, từ bàn ăn… và điều đó không sai. Nhưng nếu bạn muốn dành sự tập trung và quyết tâm cho bản thảo của mình – hãy tạo cho mình một góc viết cố định, nơi chỉ dành riêng cho việc lắng nghe và thể hiện chính bạn qua câu chữ.
Không gian ấy không cần cầu kỳ nhưng nó cần sự chú tâm và chân thật. Và khi bạn ngồi vào đó mỗi ngày, bạn sẽ thấy: không chỉ cuốn sách được viết ra – mà chính bạn cũng đang được viết lại, từng chút một.
Kỷ luật: Cuốn sách không thể được viết bằng cảm hứng thoáng qua – mà phải bằng cam kết mỗi ngày
Mình không thể quên một hình ảnh trong trại viết: 4h30 mỗi sáng, khi mình còn đang lơ mơ trở dậy, đèn trong góc viết sách của chị Phương đã sáng. Tiếng gõ phím đều đặn. Một góc bàn nhỏ đã rực sáng bởi tinh thần kiên định của người viết. Không ai nhắc nhở.
Chị không gọi đó là kỷ luật. Nhưng với mình, đó là cam kết. Mỗi ngày, không đợi cảm hứng. Không viện cớ bận rộn. Chị chọn đi thêm một bước – dù là viết 300 từ, sửa lại một đoạn, hay chỉ đơn giản là đọc lại những gì hôm qua đã viết. Và chính sự lặp lại đều đặn ấy đã tích lũy nên một bản thảo dày 200 trang trong vòng ba tháng – mà không phải hối hả hay vắt kiệt bản thân.
James Clear – tác giả Atomic Habits – đã lý giải hiện tượng này rất sâu sắc: kỷ luật không làm giảm đi sáng tạo, mà là điều kiện để sáng tạo xảy ra một cách bền vững. Khi một hành vi sáng tạo (như viết) trở thành thói quen được lặp lại đều đặn, nó vượt khỏi vùng phải ra quyết định và bước vào vùng nhận diện bản thân – nơi bạn không làm việc phải làm, mà nó trở thành một phần của bạn. Người viết sách không cần viết nhiều mỗi ngày. Nhưng cần viết đều. Vì điều tạo nên một cuốn sách mạnh mẽ không phải là tốc độ – mà là sự bền bỉ.
Nếu bạn đang muốn viết sách nhưng thấy mình cứ mãi trì hoãn, hãy thử hai điều: (1) tạo một thời gian viết cố định mỗi ngày – dù chỉ 30 phút, và (2) chọn một khoảng không gian trong tuần nói không với những thứ gây nhiễu. Bạn sẽ thấy mình viết trọn vẹn hơn bao giờ hết.
Đọc thêm bài viết:
Ghi nhận bản thân: Người viết giỏi không phải là người biết tự phê bình – mà là người biết tự tin tiến lên
Có một câu chị Phương hay nói mỗi lần viết xong một đoạn: “Chị giỏi quá, Nguyệt Anh ơi!” – nghe qua tưởng đùa, nhưng chị nói hoàn toàn nghiêm túc. Đó không phải là một lời khoe, mà là một hành động ăn mừng nội tâm.
“Tuy đoạn này chưa được như chị kỳ vọng, nhưng chị vẫn vui vì đã vượt qua được buổi sáng hôm nay.” – câu nói ấy, mình nhớ mãi. Vì nó nhắc mình rằng: viết sách không phải là hành trình đi đến sự hoàn hảo, mà là hành trình kiên nhẫn vượt qua vô số điểm dừng ngắn trên con đường dài.
Trong tâm lý học, hành vi này gọi là self-affirmation – tự khẳng định giá trị. Nghiên cứu từ Đại học Stanford và Carnegie Mellon đã chỉ ra rằng, những người có thói quen tự ghi nhận bản thân trong quá trình học tập hoặc làm việc sáng tạo không chỉ có mức độ bền bỉ cao hơn, mà còn phục hồi tinh thần nhanh hơn sau những thời điểm nghi ngờ bản thân.
Viết sách là công việc rất dễ rơi vào vùng “vô hình” – bạn không có người vỗ tay mỗi khi viết được một đoạn hay, cũng không có bảng chấm điểm cho từng chương. Tất cả diễn ra trong im lặng. Và chính vì thế, bạn cần học cách trở thành người đồng hành tốt nhất cho chính mình.
Nếu bạn chỉ đợi đến khi hoàn thành bản thảo để “cho phép mình tự hào”, thì rất có thể bạn sẽ không bao giờ đến được điểm xứng đáng để ăn mừng. Nhưng nếu mỗi ngày bạn biết ghi nhận từng bước đi – dù nhỏ, từng đoạn văn – dù chưa hoàn hảo, từng ý tưởng – dù còn dang dở, thì chính năng lượng ấy sẽ tích lũy thành động lực đi đến cùng.
Hành trình viết là hành trình của hàng trăm quyết định nhỏ mỗi ngày – và bạn cần có một nguồn năng lượng tinh thần để duy trì niềm tin vào bản thân. Vậy nên hãy tự vỗ tay hoan hô mình một cái khi hoàn thành được mục tiêu viết hôm nay nhé.
Tôn trọng sáng tạo: Tác giả giỏi không làm mọi thứ – họ tạo điều kiện cho người khác làm tốt nhất phần việc của mình
Thật may mắn khi RIO Book được chị Phương tiếp tục lựa chọn để thực hiện khâu thiết kế cuốn sách. Chị Phương đã làm điều khiến mình vô cùng trân trọng: chị không kiểm soát quá mức, cũng không buông trôi, mà chọn cách tin tưởng và đồng sáng tạo.
Chị không đưa ra các chỉ đạo cụ thể như: “Hình ảnh phải là gì”, “Font chữ phải kiểu này”, hay “Chị muốn màu sắc ABC”. Thay vào đó, chị chia sẻ cảm xúc chị muốn bìa sách gợi lên:
Truyền thống – hiện đại: Kế thừa và chuyển hóa linh hoạt
Tình yêu rộng mở: Gia đình, cuộc sống, con người, thiên nhiên
Dấn thân – cống hiến: Hướng tới cộng đồng và các giá trị trường tồn
Sau đó, chị nói một câu mình tin là quý giá nhất với bất kỳ người làm sáng tạo nào được nghe từ tác giả: “Chị tin vào các em, hãy làm điều tốt nhất có thể.”
Kết quả là gì? Proposal concept nhóm thiết kế gửi đến cả gia đình chị bất ngờ. Không cần chỉnh nhiều, chị nhanh chóng chọn được concept triển khai sau khi phân tích kĩ lưỡng từ mong muốn của mình.
Bên cạnh đó, điều khiến quá trình sáng tạo trở nên cũng rất đặc biệt – chính là cách gia đình chị tham gia vào hành trình này như một phần tự nhiên. Trong buổi họp online với nhóm thiết kế, anh – chồng chị – đã tham dự từ đầu tới cuối. Không chỉ quan sát, anh còn góp ý sâu sắc về cách thể hiện tinh thần cuốn sách qua hình ảnh. Hai con của chị thì xem qua ba đề xuất bìa, rồi gửi lại cho mẹ một bản nhận xét riêng, phân tích rất kỹ về cảm xúc, ý nghĩa và độ phù hợp với tinh thần “nếp nhà”. Đó không còn là một tác phẩm của riêng chị – mà là công trình chung của cả một nếp nhà đang cùng nhau gìn giữ và sáng tạo.
Từ tất cả những trải nghiệm đó, mình nghiệm ra một điều: một cuốn sách là hành trình sáng tạo cộng hưởng. Một cuốn sách không chỉ là sản phẩm cá nhân – mà có thể trở thành một không gian đồng sáng tạo, nếu người viết biết buông kiểm soát, trao niềm tin, và mời gọi những nhiều người cùng bước vào hành trình ấy.
Nó là là bản hoà âm giữa nhiều người giữ các phần chuyên môn khác nhau. Nếu bạn là một chuyên gia đang chuẩn bị xuất bản sách, hãy nhớ: bạn không cần giỏi tất cả - trở thành nhà thiết kế, biên tập viên, marketer… Bạn chỉ cần trở thành người giữ lửa cho tầm nhìn – và người nuôi dưỡng văn hoá hợp tác để tầm nhìn ấy được hiện thực hoá bằng nhiều bàn tay, nhiều khối óc.
Và khi đó, cuốn sách của bạn không chỉ là sản phẩm cá nhân – mà là một dấu ấn tập thể, đủ sức sống để lan toả rộng rãi và bền vững.
Kiên nhẫn: Sự khác biệt giữa một bản nháp tạm ổn và một cuốn sách có sức sống nằm ở việc bạn có đủ kiên nhẫn để đợi phiên bản tốt nhất hay không
Trong thế giới xuất bản, có một áp lực vô hình luôn hiện hữu: tiến độ. Nhiều tác giả bị cuốn theo vòng quay gấp rút của việc ra mắt, truyền thông, sự kiện, và vì thế sẵn sàng “tạm chấp nhận” một phiên bản gần đúng, thay vì đợi đến khi mọi thứ thực sự đúng.
Chị Phương thì không chọn như vậy.
Mình nhớ rất rõ thời điểm lịch phát hành đã lên, concept đã chọn được nhưng bìa sách chưa xong. Chị không chắc chắn liệu concept độc đáo này có thể triển khai thành thực tế được không.
Nhưng chị quyết định: “Chị sẽ chờ đến khi thấy bìa sách theo concept này rồi mới quyết định có đổi concept không”. Hai ngày sau, bìa mới được gửi đến – không cần chỉnh gì nữa. Mọi thứ tự nhiên khớp vào. Chị chỉ nhẹ nhàng nói: “Giờ chị yên tâm rồi."
Khoảnh khắc đó với mình là bài học sâu sắc về sự kiên nhẫn – không phải là trì hoãn do thiếu quyết đoán, mà là trì hoãn có chủ đích vì bạn đang chờ cho thứ gì đó thực sự chạm đúng và trúng.
Nếu bạn đang viết hoặc xuất bản sách, mình muốn bạn nhớ điều này: có thể bạn đang rất nôn nóng để xong. Nhưng nếu một phần nào đó trong bạn vẫn còn đang phân vân, hãy cho phép mình tạm dừng để lắng nghe. Vì đôi khi, chỉ cần thêm một chút kiên nhẫn – bạn sẽ làm nên một phiên bản có sức sống hơn, thay vì phải quay lại chỉnh sửa sau này.
Và quan trọng nhất: kiên nhẫn chính là sự tử tế bạn dành cho chính tác phẩm của mình.
Đọc thêm bài viết:
Chủ động: Một tác giả không phải là người chỉ biết viết – mà là người dẫn dắt hành trình lan toả tri thức
Khi bản thảo cuốn Nếp Nhà vừa hoàn thành, điều đầu tiên chị Phương làm không phải là ăn mừng, cũng không phải là… nghỉ ngơi. Chị chủ động liên hệ xin lời đề tặng từ thầy Phan Văn Trường rồi thầy Hà Vĩnh Thọ.
Chị cũng gọi tới các nhà phát hành, gửi email, lên lịch hẹn cà phê để chào mua bản quyền.
“Chị nghĩ mình cần chịu trách nhiệm cho hành trình của cuốn sách. Nó không thể tự tìm đường đến tay độc giả được,” – chị nói với mình.
Chị không chờ đợi ai “phát hiện” ra cuốn sách hay “trao cơ hội”. Chị tạo ra cơ hội – bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng thái độ cầu thị, và bằng chính niềm tin vào giá trị mà cuốn sách mang lại.
Thực tế, rất nhiều tác giả nghĩ rằng hành trình kết thúc khi họ gõ dòng cuối cùng của bản thảo. Nhưng sự thật là: viết xong chỉ chiếm khoảng 40% hành trình. 60% còn lại nằm ở xuất bản, truyền thông, phân phối, và nuôi dưỡng mối quan hệ giữa sách và độc giả trong đời sống thực.
Chuyên gia xuất bản Jane Friedman gọi đó là Author Platform – một hệ sinh thái mà tác giả cần xây dựng từ sớm: bao gồm độc giả mục tiêu, các kênh truyền thông cá nhân, các mối quan hệ chuyên môn, và cả chiến lược lan tỏa tư tưởng của mình ra ngoài cuốn sách.
Viết một cuốn sách giống như gieo một hạt mầm. Nhưng nếu không chủ động tạo ra ánh sáng, nước, và đất màu mỡ – hạt mầm ấy sẽ không thể nảy nở. Và độc giả – những người cần cuốn sách ấy – sẽ không bao giờ biết đến nó.
Nếu bạn đang trong quá trình viết sách, hãy dành thời gian ngay từ bây giờ để hình dung xem: bạn muốn sách sống trong cộng đồng như thế nào? Ai là người cần nó? Bạn sẽ kết nối với họ qua kênh nào? Ai là người có thể giúp bạn lan tỏa thông điệp? Đừng đợi đến khi “xong rồi tính tiếp”. Vì nếu bạn không dẫn dắt cuốn sách của mình ra thế giới, thì ai sẽ làm thay bạn?
Mọi tác phẩm bắt đầu từ một trang giấy trắng – và một người dám viết lên nó
Tác giả Hồng Phương – như bao người khác – bắt đầu hành trình viết sách từ con số 0. Không có sẵn bản thảo, không có sẵn cấu trúc, không có ekip truyền thông hùng hậu phía sau. Chị chỉ có một mong muốn rất chân thật: viết lại điều gì đó cho mẹ, và một quyết định rất dứt khoát - phải bắt đầu.
Từng dòng chị viết đầu tiên không hoàn hảo. Từng buổi sáng 4h30 không phải lúc nào cũng hứng khởi. Nhưng điều làm nên một cuốn sách không phải là sự trơn tru, mà là sự có mặt trọn vẹn. Mỗi ngày, chị Phương đều ngồi vào bàn, viết, chỉnh sửa, đối thoại với chính mình – và để những gì đã sống sâu nhất trong mình đi ra thành con chữ.
Mình biết, có thể bạn cũng đang đứng trước một bản thảo trắng – bối rối, chưa biết bắt đầu từ đâu. Nhưng mình muốn nói với bạn rằng: Chị Phương cũng từng như vậy. Và như chị, bạn không cần phải là nhà văn. Bạn chỉ cần bắt đầu từ sự chân thật và dám ngồi xuống mỗi ngày để viết nên điều đó.
Một cuốn sách nếu được viết bằng sự thành thật, kiên định, và lòng tin vào giá trị của chính mình sẽ luôn tìm được đường đến trái tim người đọc.
Và hành trình đó, bắt đầu từ trang giấy trắng đầu tiên bạn dám chạm vào.
Nếu bạn muốn thử trải nghiệm cuốn sách đầu tay của tác giả Hồng Phương - cuốn sách kết tinh từ hơn 10 năm chiêm nghiệm và 3 thế hệ ký ức để đánh thức kết nối gia đình và gìn giữ nếp nhà trong thời đại số, bạn có thể tham khảo thông tin và ủng hộ tác phẩm "Nếp nhà - Từ gốc rễ tới ngọn gió" tại đây nhé: https://www.yourmindjourney.vn/nepnha