Viết một cuốn sách có chiều sâu bắt đầu từ yếu tố "xung đột"
Từ góc tối của sự thật đến cảm xúc lay động trái tim độc giả
"Learning begins at the edge of discomfort." Học hỏi chỉ thực sự bắt đầu khi ta đủ can đảm bước vào vùng khó chịu — nơi những câu hỏi không dễ trả lời, những nỗi đau chưa được gọi tên, và những giằng xé chưa từng thừa nhận.
Khi bảo mình kể lại những cuốn sách đã từng đọc, với tư cách một độc giả, mình sẽ dễ dàng kể lại những mô hình mà cuốn sách giới thiệu nếu nó đi cùng với những vấp váp, khó khăn mà tác giả đã từng trải qua.
Như mô hình 4Cs (4 quy luật thay đổi hành vi) mà James Clear đưa ra được nghiên cứu từ chính cách anh phải vượt qua những mẫu thuẫn bên trong mình để cố gắng thiết lập những thói quen sau ca chấn thương nặng khiến anh phải rời bỏ sự nghiệp thi đấu và dường như cả tương lai đã đóng lại trước mắt.
Vậy còn bạn, nếu nhớ lại hành trình mình đã đi qua, đâu là những đớn đau lớn nhất bạn đã từng trải qua? Và có phải cũng chính từ những vất vả đó, khi đã vượt qua được, nó lại mang lại cho bạn những bài học lớn quý gía?
Đó cũng là nơi bạn nên bắt đầu cho cuốn sách của mình.
Khi bạn kể lại một tình huống trong sách non-fiction, bạn không chỉ cung cấp thông tin — bạn đang kể lại một hành trình sống. Và không có hành trình sống nào lại suôn sẻ, bằng phẳng, không có vết rạn, không có chỗ đau. Đó chính là nơi con người phải ra quyết định, thay đổi, hoặc thức tỉnh.
Bài viết tuần này, mình sẽ cùng bạn tìm hiểu về yếu tố "xung đột" - sự mâu thuẫn và kháng cự cũng như cách để khai thác yếu tố này một cách hiệu quả để xây dựng nên một cuốn sách thực sự "chạm" tới độc giả.
Xung đột là gì?
Xung đột là tình huống mà ở đó, hai hoặc nhiều lực đối lập cùng tồn tại và va chạm với nhau, buộc nhân vật phải đối diện, lựa chọn và chịu trách nhiệm với hậu quả. Nó có thể là một mâu thuẫn rõ ràng với người khác, một giằng xé nội tâm không lời, một đối đầu với xã hội, hay một cuộc chiến với hoàn cảnh khắc nghiệt vượt ngoài tầm kiểm soát.
Nhiều người viết nonfiction thường nghĩ rằng “mình chỉ đang kể sự thật, không cần thêm yếu tố kịch tính”. Nhưng có thể mọi người không nghĩ tới rằng trong sách non-fiction cũng có các nhân vật. Đó là chính bạn - tác giả, hoặc nhân vật trong các casestudy mà bạn sử dụng để minh hoạ cho lý thuyết, hoặc chính độc giả của . Và chính trong những “sự thật” ấy, xung đột là nơi cho thấy điều gì đang vận hành bên dưới – điều gì khiến nhân vật hành động, do dự, hoặc thay đổi.
Nói cách khác, xung đột là động cơ chuyển động của toàn bộ hành trình. Và trong quá trình viết sách, đặc biệt là sách phi hư cấu, xung đột giữ một vai trò cốt lõi – không chỉ giúp định hình cấu trúc, mà còn tạo chiều sâu cảm xúc và kết nối với người đọc.
Cụ thể, xung đột có ba tác dụng lớn:
Thứ nhất, xung đột tạo nên cao trào tự nhiên cho hành trình kể chuyện. Thay vì trình bày kiến thức theo dạng liệt kê, xung đột buộc câu chuyện phải chuyển động. Nó đưa nhân vật vào tình huống buộc phải lựa chọn, giằng co hoặc phản ứng. Nhờ đó, mạch nội dung không chỉ mượt mà hơn mà còn duy trì được sự tò mò và chú ý của người đọc.
Thứ hai, xung đột làm lộ diện bản chất của nhân vật. Chính trong xung đột, con người mới bộc lộ rõ nhất hệ giá trị, niềm tin, điểm yếu, động cơ và cả nỗi sợ. Với tác giả nonfiction, đây cũng là cơ hội để bộc lộ chính mình một cách chân thực. Độc giả không tìm kiếm một người dạy họ – mà là một người dám thành thật về hành trình mình đã đi qua.
Thứ ba, xung đột là điểm chạm sâu sắc nhất để khơi dậy sự đồng cảm và hành động. Khi người đọc nhìn thấy một phần bản thân trong nỗi giằng xé của nhân vật, họ không chỉ hiểu – họ cảm. Họ không chỉ học – họ muốn thay đổi. Thay vì khuyên “hãy thay đổi”, xung đột đặt người đọc vào vị trí: “Nếu là tôi, tôi sẽ làm gì?”. Và đó là lúc họ bước vào cuộc đối thoại thật sự với chính mình.
Đọc thêm bài viết:
5 dạng xung đột phổ biến và cách khai thác trong sách non-fiction
Dù là tiểu thuyết hay phi hư cấu, mọi câu chuyện đều vận hành nhờ xung đột.
Không có xung đột, không có hành trình. Không có hành trình, không có thay đổi.
Với nonfiction, xung đột không nhất thiết là “drama” hay biến cố lớn. Nó có thể rất nhỏ – một cuộc tranh luận, một quyết định im lặng, một lần rẽ nhánh tư tưởng.
Nhưng để cuốn sách trở nên đáng nhớ, người viết cần xác định rõ xung đột trung tâm của mình thuộc dạng nào – và viết về nó sao cho người đọc cảm nhận được sự thật, sự khó chịu, và cả khả năng thay đổi.
Dưới đây là 5 dạng xung đột phổ biến nhất, đi kèm ví dụ từ những tác phẩm nổi bật đã ứng dụng chúng một cách hiệu quả.
1. Nhân vật với Nhân vật
Đây là dạng xung đột xảy ra khi hai cá nhân đứng ở hai đầu quan điểm, hệ giá trị, hoặc lợi ích – buộc họ phải đối đầu, thương lượng, hoặc chọn lựa từ bỏ điều gì đó để tiếp tục. Đây là dạng xung đột dễ nhận biết và thường tạo nên căng thẳng tự nhiên cho mạch kể chuyện.
Trong sách nonfiction, loại xung đột này thường được thể hiện qua các tình huống như:
Một tác giả kể lại mâu thuẫn sâu sắc với sếp trong công ty cũ, dẫn đến quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp.
Một nhân vật vật lộn với áp lực từ cha mẹ, người thân khi chọn theo đuổi con đường sự nghiệp trái ngược kỳ vọng gia đình.
Một nhà giáo dục phản biện tư tưởng của người thầy cũ – dẫn tới một cuộc tái định nghĩa lại triết lý giảng dạy.
Mỗi tình huống như vậy không chỉ là một cuộc tranh cãi, mà là nơi các giá trị va chạm, buộc nhân vật phải lựa chọn – giữ nguyên niềm tin hay bước vào vùng không chắc chắn của thay đổi.
Ví dụ điển hình cho dạng xung đột này là cuốn Never Split the Difference của Chris Voss. Là một cựu chuyên gia đàm phán của FBI, Chris không viết lý thuyết về giao tiếp – ông kể lại từng vụ đàm phán có thật giữa ông và tội phạm bắt cóc con tin. Trong mỗi cuộc đối thoại, không chỉ có hai người nói chuyện – mà là hai hệ niềm tin, hai mục tiêu hoàn toàn đối lập được đặt lên bàn cân sinh tử.
Điều khiến xung đột trong cuốn sách trở nên hấp dẫn không phải là sự giật gân, mà là tính xác thực: chỉ cần một sai lệch nhỏ trong ngôn từ, tính mạng con người có thể bị đe dọa. Người đọc không chỉ bị cuốn hút bởi những tình huống căng thẳng – mà còn học được cách một con người sử dụng sự bình tĩnh, quan sát và chiến lược để xoay chuyển thế trận dưới áp lực.
Trong nonfiction, việc đưa xung đột giữa nhân vật với nhân vật vào một cách chân thực sẽ giúp người đọc không chỉ tiếp nhận kiến thức – mà còn cảm nhận được giá trị của những lựa chọn, cảm xúc và hậu quả gắn liền với nó. Đây là cách để thông điệp không nằm ở phần "giải thích", mà được truyền đi qua chính câu chuyện có thực.
2. Xung đột giữa Nhân vật và Xã hội
Đây là dạng xung đột xảy ra khi một cá nhân bắt đầu hoài nghi, chống lại hoặc muốn tách mình ra khỏi các quy chuẩn chung của xã hội — từ văn hóa, truyền thống, giáo dục cho tới các cấu trúc tổ chức hoặc định kiến vô hình.
Không phải lúc nào xung đột với xã hội cũng thể hiện dưới hình thức phản kháng kịch liệt. Nó có thể đến từ những điều rất bình thường:
Một người mẹ muốn nuôi con theo khoa học, nhưng liên tục bị phản đối bởi những quan niệm nuôi dạy “từ xưa đến nay”.
Một sinh viên chọn ngành học “ít ai theo đuổi”, bị gán cho là mơ mộng, không thực tế.
Một nhân viên văn phòng từ chối thăng tiến vì không muốn chạy theo định nghĩa thành công truyền thống.
Trong nonfiction, xung đột với xã hội là nơi để tác giả đặt ra những câu hỏi lớn:
Tại sao ta sống như vậy?
Ai đặt ra những chuẩn mực ấy?
Và liệu có con đường nào khác?
Một trong những ví dụ điển hình cho dạng xung đột này là cuốn Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking của Susan Cain.
Susan Cain bắt đầu bằng một trải nghiệm rất cá nhân: là một người hướng nội, bà liên tục cảm thấy mình “khác biệt”, “sai lệch” trong một xã hội đề cao sự hướng ngoại. Trường học cổ vũ làm việc nhóm, các công ty chuộng phong cách năng nổ, và người thành công thường được miêu tả là những người hoạt ngôn, nổi bật.
Thay vì chỉ cảm thấy bất công với điều đó, bà bắt đầu nghiên cứu. Thay vì chỉ kể khổ, bà bắt đầu chia sẻ. Cuốn sách là sự đan xen giữa dữ liệu khoa học và những trải nghiệm thật – từ cảm giác cô lập trong lớp học, sự lặng lẽ trong cuộc họp, cho tới những giây phút bà nhận ra: giá trị của sự yên lặng chưa từng được nhìn nhận đúng mức.
Tác phẩm này không chỉ giúp người hướng nội cảm thấy được thấu hiểu – nó còn tạo ra một cuộc đối thoại sâu sắc về việc định nghĩa lại giá trị cá nhân trong tập thể. Nó khuyến khích người đọc đặt lại câu hỏi: liệu mình đang sống theo cách phù hợp với mình, hay đang cố sống theo một hệ giá trị áp đặt?
Khi một cuốn sách dám chạm vào những chuẩn mực đang vận hành xã hội, và mở ra không gian để người đọc nhìn lại chính mình, nó không chỉ là một tác phẩm – nó có thể trở thành một phong trào. Như điều Quiet và Susan Cain đã làm được.
3. Xung đột giữa Nhân vật và Bản thân
Đây là một trong những dạng xung đột sâu sắc và phổ biến nhất trong nonfiction – khi con người phải đối diện với chính mình. Không còn kẻ thù bên ngoài. Không có ai để đổ lỗi. Chỉ còn bản thân, với những mâu thuẫn nội tâm chưa được giải quyết: giữa điều ta biết và điều ta làm, giữa ước muốn và nỗi sợ, giữa lý trí và cảm xúc.
Dạng xung đột này thường xuất hiện trong các tình huống:
Một người biết rõ mình cần nghỉ ngơi, nhưng vẫn không thể từ bỏ guồng quay công việc.
Một người hiểu rằng mối quan hệ hiện tại không còn phù hợp, nhưng vẫn bị níu kéo bởi cảm giác tội lỗi.
Một tác giả kể lại hành trình vượt qua khủng hoảng tinh thần, nơi mọi nỗ lực lý trí đều bất lực trước nỗi buồn không tên.
Trong nonfiction, xung đột nội tâm có sức mạnh đặc biệt. Nó tạo ra sự đồng cảm sâu sắc – bởi ai trong chúng ta cũng từng rơi vào trạng thái “biết mà không thể”, “muốn nhưng không dám”. Nó không đòi hỏi giọng kể kịch tính, mà cần một sự thành thật đủ lớn để nói ra điều khó nói.
Một ví dụ tiêu biểu cho dạng xung đột này là cuốn Dũng cảm đón nhận những điều không hoàn hảo (The Gifts of Imperfection) của Brené Brown.
Là một nhà nghiên cứu về sự tổn thương, lòng dũng cảm và sự kết nối xã hội, Brené Brown không bắt đầu cuốn sách bằng triết lý – mà bắt đầu bằng một cú sụp đổ cá nhân. Sau nhiều năm thu thập dữ liệu về cảm xúc con người, bà nhận ra rằng: chính mình là người đang sống xa rời những giá trị mà bà truyền đạt.
Sự thật ấy khiến bà phải đối mặt với điều không dễ thừa nhận: mình đang sống một cuộc đời “giả vờ hoàn hảo”. Xung đột nội tâm giữa cái tôi chuyên môn và con người thật trở nên căng thẳng – và chính nó dẫn bà vào hành trình khám phá những điều sâu kín nhất về bản thân: sự xấu hổ, cảm giác chưa đủ tốt, nỗi sợ bị từ chối.
Thay vì giấu đi, Brené chọn chia sẻ. Cuốn sách của bà không chỉ cung cấp kiến thức về tâm lý học – mà là một lời mời gọi người đọc bước vào vùng dễ tổn thương nhất trong chính mình, và từ đó tìm thấy sự dũng cảm để sống thật.
Xung đột nội tâm trong tác phẩm này không làm người đọc thấy yếu đuối – mà khiến họ thấy được trao quyền. Chính vì vậy, nó không chỉ là sách tự lực, mà là một bản đồ tinh thần cho bất kỳ ai đang vật lộn giữa cái tôi xã hội và con người sâu thẳm bên trong.
Đọc thêm bài viết:
4. Xung đột giữa Nhân vật và Số phận / Quyền lực siêu nhiên
Đây là dạng xung đột xảy ra khi con người phải đối diện với những thế lực vượt ngoài khả năng kiểm soát – như bệnh tật, cái chết, định mệnh, thiên tai hoặc bất kỳ điều gì không thể giải thích bằng logic thông thường. Trong nonfiction, những xung đột này thường không có “kẻ thù” cụ thể. Không có ai để đối đầu, không có cách nào để chiến thắng tuyệt đối. Nhưng trong chính trạng thái bất lực ấy, khả năng chuyển hóa tinh thần bắt đầu xuất hiện.
Người viết không tìm cách kháng cự số phận, mà học cách sống cùng nó.
Không cố chối bỏ thực tại, mà đi sâu vào bên trong để tìm ý nghĩa.
Những câu chuyện thuộc dạng này thường đến từ:
Hành trình đối mặt với bệnh nan y hoặc khủng hoảng sức khỏe.
Trải nghiệm về cái chết, mất mát, hoặc sự thức tỉnh tâm linh.
Những bước chuyển trong cuộc đời không thể lý giải bằng lý trí – nhưng thay đổi toàn bộ cách nhìn thế giới.
Một trong những tác phẩm nonfiction tiêu biểu cho dạng xung đột này là When Breath Becomes Air của Paul Kalanithi.
Paul là một bác sĩ giải phẫu thần kinh, đang ở đỉnh cao sự nghiệp với một tương lai hứa hẹn cả về chuyên môn lẫn học thuật. Nhưng ở tuổi 36, anh được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Đối mặt với cái chết khi còn quá trẻ – và khi đang sống giữa hai vai trò: người chữa bệnh và người đang mắc bệnh – anh bắt đầu viết.
Điều đặc biệt ở cuốn sách này là Paul không viết để động viên, không cố gắng trở thành người hùng chiến thắng bệnh tật. Anh viết để hiểu, để suy nghĩ, để tìm ra điều gì còn lại khi mọi thành tựu, danh xưng, kế hoạch đều sụp đổ trước sự hữu hạn.
Xung đột ở đây không nằm ở việc “có sống sót được không”, mà ở câu hỏi: “Nếu tôi không còn nhiều thời gian, thì điều gì thật sự đáng sống?”. Và câu trả lời của anh không đến dưới dạng triết lý, mà từ những điều rất con người: tình yêu với vợ, mong muốn được làm cha, ước mơ được hoàn thành một cuốn sách.
Khi đọc When Breath Becomes Air, người đọc không chỉ tiếp cận một câu chuyện cá nhân – mà được dẫn dắt vào một không gian để chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, và ý nghĩa của từng khoảnh khắc. Chính sự bất lực trước số phận đã mở ra sức mạnh tâm thức và lòng trắc ẩn sâu sắc nhất trong con người.
Đó là lý do vì sao dạng xung đột này – dù không ồn ào – lại để lại dư âm rất lâu sau khi người đọc đã gấp sách lại.
5. Xung đột giữa Nhân vật và Tự nhiên
Đây là dạng xung đột xảy ra khi con người đối đầu với các yếu tố tự nhiên – như thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đại dịch, giới hạn sinh học, hoặc đơn giản là quy luật sinh – lão – bệnh – tử.
Không giống như xung đột với xã hội hay bản thân, xung đột với tự nhiên thường không xuất phát từ cảm xúc – mà từ sự sống còn. Nó không phải là một cuộc tranh luận. Nó là sự giằng co giữa sự tồn tại và sự kết thúc.
Tuy nhiên, điều làm cho xung đột này trở nên sâu sắc không nằm ở thiên nhiên – mà nằm ở cách con người phản ứng với giới hạn của mình. Nó buộc chúng ta phải nhìn lại những ảo tưởng kiểm soát, những khát vọng chinh phục, và cả niềm kiêu hãnh trước sự nhỏ bé của mình.
Trong nonfiction, dạng xung đột này thường xuất hiện trong:
Sách viết về hành trình sinh tồn: leo núi, thám hiểm, sống sót sau thiên tai.
Các phân tích về biến đổi khí hậu, nông nghiệp, y học, đại dịch.
Những hồi ký cá nhân mô tả trải nghiệm bệnh tật hoặc sống trong điều kiện giới hạn.
Một ví dụ tiêu biểu cho dạng này là cuốn The Uninhabitable Earth của David Wallace-Wells. Sách cung cấp một bức tranh rõ rệt nhưng đáng sợ về tương lai khi hạn hán, lũ, nóng độ cực đoan, bệnh tật và khủng hoảng thực phẩm cộng hưởng nhau.
Tác giả không chỉ ngủ với dữ liệu; ông đưa người đọc đến những con số – tăng 4 °C, băng tan, mực nước biển dâng và hàng triệu người đối mặt với cái chết vì đói hoặc dịch bệnh. Xung đột ở đây không phải giữa con người và một cá nhân, mà là giữa nhân loại với hệ thống sinh thái – nơi mà mọi hành động sai đều có hậu quả trực tiếp.
Trên nền xung đột này, độc giả không chỉ cảm thấy lo sợ – họ cảm thấy bị thúc đẩy vào một tình thế phải lựa chọn: tiếp tục phớt lờ, hay thay đổi chế độ sống ngay từ hôm nay. Qua The Uninhabitable Earth, ta thấy rõ lời kêu gọi tỉnh thức khiến mình phải hành động.
Làm sao đưa xung đột vào sách nonfiction?
Bạn không cần bịa ra cao trào, không phải tạo “drama”. Trong nonfiction, xung đột đến từ những khoảnh khắc thật của bạn – nơi cảm xúc chạm ngưỡng và suy nghĩ bị thách thức. Điều quan trọng là bạn dám để người đọc bước vào những không gian ấy – không né tránh, không tô hồng, và không vội vàng đưa họ đến giải pháp.
Dưới đây là bốn cách cụ thể bạn có thể tham khảo để đưa xung đột vào sách nonfiction:
Bắt đầu từ một khoảnh khắc thật
Hãy nhớ về một điểm rơi – nơi bạn cảm thấy “không thể tiếp tục như cũ". Đó không cần phải là biến cố lớn mà có thể là:
Một lần bạn đứng lặng giữa cuộc họp vì không thể nói điều mình muốn.
Một câu nói vô tình của người thân khiến bạn nhận ra mình đang sống theo kỳ vọng người khác.
Một buổi sáng tỉnh dậy và thấy điều từng có ý nghĩa giờ chỉ còn là nghĩa vụ.
Khi bạn bắt đầu từ một khoảnh khắc cụ thể, cảm xúc thật, người đọc sẽ nhận ra: “Tôi cũng từng như thế.” Và đó là lúc họ sẵn sàng bước vào hành trình cùng bạn.
Kể từ bên trong – không chỉ từ bên ngoài
Hành động chỉ là bề mặt. Xung đột thật nằm ở những suy nghĩ chưa nói, cảm xúc chưa được phép cảm nhận, và vùng nội tâm chưa từng được soi rọi.
Bởi vậy, thay vì chỉ đề cập thoáng qua, bạn hãy mô tả nỗi giằng co bên trong mình.
Đừng viết: “Tôi quyết định nghỉ việc.”
Hãy viết: “Tôi mất ba đêm không ngủ. Tôi tưởng tượng cảnh bước vào phòng và nói lời từ chức – rồi lại tưởng tượng mình sẽ hối hận. Tôi đã viết đi viết lại email ấy sáu lần. Mỗi lần gửi thử là một lần xóa đi. Cho đến khi tôi không còn lý do nào để trì hoãn.”
Chính sự chi tiết ấy – những giằng co rất người ấy – mới khiến xung đột trong nonfiction có sức sống.
Viết để người đọc cảm thấy họ không đơn độc
Xung đột có thể khiến người ta thấy xấu hổ, bối rối, cô đơn. Một cuốn sách hay không chỉ đưa ra giải pháp – mà nói hộ độc giả cảm giác họ chưa từng gọi tên được.
Đó có thể là:
Khi bạn biết mình cần thay đổi, nhưng vẫn trì hoãn.
Khi bạn cố gắng tử tế, nhưng vẫn bị tổn thương.
Khi bạn khao khát điều gì đó, nhưng lại sợ bị đánh giá là “tham vọng”.
Bạn không cần giảng dạy, mà thay vào đó hãy đồng hành. Bởi chỉ khi người đọc thấy mình được thấu hiểu trong vùng tối, họ mới cảm thấy đủ an toàn để tìm đường ra ánh sáng.
Dẫn dắt bằng câu hỏi – không chỉ đưa câu trả lời
Nhiều sách nonfiction sa vào việc “giải thích” – khiến người đọc trở thành học viên bị động. Nhưng thực ra, một câu hỏi đúng lúc có thể mạnh mẽ hơn cả một lời khuyên.
Thay vì nói: “Bạn cần học cách buông bỏ.”
Hãy thử hỏi: “Bạn đang nắm giữ điều gì vì sợ nếu buông, bạn sẽ mất chính mình?”
Câu hỏi mở ra không gian. Câu hỏi cho phép người đọc bước vào vùng tự do tư tưởng. Và ở đó, sự chuyển hóa thực sự bắt đầu.
Đọc thêm bài viết:
Xung đột không phải là điều cần tránh né – nó là nơi bắt đầu của tự do
Bạn có thể chọn một trong bốn cách trên làm điểm bắt đầu. Quan trọng không phải là bạn kể chuyện gì – mà là bạn dám bộc lộ sự thật cảm xúc đến mức nào. Khi đó, sách của bạn không chỉ có kiến thức – mà còn là một hành trình sống cùng độc giả.
Hãy thử tự hỏi: “Cuốn sách của tôi đang đối diện với dạng xung đột nào?” “Nhân vật – hoặc chính tôi – đã đi qua điều gì không dễ nói?” “Làm thể nào để người đọc cảm thấy mình không đơn độc?”
Xung đột không phải là điều cần tránh né – nó là nơi bắt đầu của tự do.
Khi ta dám đặt sự mâu thuẫn vào giữa trang viết, ta không chỉ kể một câu chuyện – ta mở ra một không gian nơi người đọc được thấy chính mình.
Một cuốn sách có xung đột không phải là sách tiêu cực – mà là một cuốn sách chân thành. Vì không có hành trình chuyển hóa nào bắt đầu từ sự hoàn hảo. Tất cả đều khởi đầu từ một nơi chưa biết, chưa rõ, chưa chắc chắn. Và sự thật ấy, nếu được kể bằng giọng nói của lòng tử tế, sẽ có khả năng chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong người đọc – nơi mà tri thức thôi chưa đủ, nhưng sự đồng cảm có thể làm thay đổi cả đời sống bên trong.
Viết về xung đột, thực chất là viết về cách con người lớn lên.
Vậy còn bạn, đã từng có xung đột nào từng khiến bạn thay đổi sâu sắc nhất? Và bạn đã sẵn sàng kể lại chưa?
The Transformation Book - Tri thức dẫn đường sự chuyển hóa
Subscribe bản tin của mình để đón đọc thêm các bài viết nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề viết sách, tư vấn chiến lược xuất bản và xây dựng thương hiệu tác giả nhé.